*






Cái lỗ hổng cả đời không lấp nổi... 

PHÙ VÂN 

(Trao đổi với bà Phạm Thị Hoài qua bài “Tư cách chính thống của trí thức Việt Nam” theo lời mời của tạp chí Cánh Én)
 

                 Hồi những năm 1970-75, Hà Nội khét lẹt những “án văn” Cây Táo Ông Lành, Vòng Trắng... Ông trùm văn nghệ Tố Hữu đã phải kêu lên: ”Tà khí đang bốc lên ...”, nhà thơ chính thống Chế Lan Viên đã phải đẻ ra một từ mới “bọn bàng thống” để chỉ những cây bút “chân đất” đang khởi màu phản kháng, và nhà thơ Dương Tường - người mười năm sau dìu dắt Phạm Thị Hoài vào giới cầm bút Hà Nội, người đã được PTH đề tặng trang trọng trang đầu cuốn “Marie Sến” - khi được hỏi về “đặc điểm của thời đại chúng ta”, ông Dương Tường đã buông một tiếng thở dài: ”L’angoisse” – sự lo âu. Vâng, những năm đó bầu trời Hà Nội lúc nào cũng ong ong một màu tai ương, mỗi sáng anh em cầm bút thường hỏi nhau, hôm nay, báo Văn Nghệ làm thịt thằng nào đây, danh sách ‘cấm bút” có thêm thằng nào. Tâm trạng bất an thường trực trong những cây bút “bàng thống” khiến chẳng còn lòng dạ đâu nghe một bản giao hưởng, coi một tranh tĩnh vật. Tháng Tư năm 1975, nếu không có sự kiện ngày 30, cái tâm trạng bất an đó còn trĩu nặng biết chừng nào, bởi lẽ, mừng rỡ về ‘đại thắng mùa Xuân“, Đảng đã “tha” hết, bỏ qua những bắt bẻ, những suy diễn, giảm thiểu đi rất nhiều cái tâm lý bất an thường trực kia.   

            Khoảng gần mười năm sau, vào đêm trước của thời đổi mới, bà Phạm Thị Hoài được vào “trường văn, trận bút” bằng các truyện ngắn, bằng những quan niệm sáng tác “bàng thống” trong đó có cả cái quan niệm “bất an” kia nữa.

            Và lại cũng hơn mười năm sau, đọc bài “Tư cách chính thống của người cầm bút” mà tờ Cánh Én đang mời gọi hội thảo đây, sau khi kiên nhẫn đi hết những vòng vo, hẻm hóc, ngóc ngách của ngôn từ tôi mới vớ lẽ ra bà Phạm Thị Hoài dẫn tới một “phát hiện: “Thế kỷ 21 này xã hội Việt Nam còn là chỗ hội tụ của những dịch bệnh nhường như vô phương cứu chữa khác mà bao trùm lên tất cả là một khái niệm.  Đối với tôi,  tôi đặt tên khái niệm đó là sự bất an. ”

           Tôi chưa muốn nói tới “bản quyền” của ông Dương Tường về khái niệm mà bà PTH tự nhận đã đặt tên cho nó, tôi cũng chẳng muốn nhiễu sự trích ra bằng nghịch lý văn hào André Gide đã trình bày trong diễn văn “Bàn Về Các Ảnh Hưởng” đọc trong buổi lễ nhận giải Nobel:  “Kỳ lạ thay, chính trong những thời đại kiềm tỏa và câu thúc, đầu óc con người lại đạt tới hiệu năng cao nhất...”, tôi chỉ muốn nói rằng suốt thời 1983-93 khi PTH nhập cuộc làng văn Hà Nội, xã hội đã phần nào giải tỏa khá nhiều ứng suất để bà khó bề trải nghiệm cái kinh nghiệm bất an đó, và chính từ sự kiện này, tôi bổ sung bài viết của bà một đặc tính của trí thức miền Bắc là “sự học mót”, sự thu nhận thông tin ở dạng “cấp 2” thường dẫn tới tiêu hóa một cách sống sít, mất căn bản các kiếùn thức thâu lượm được, khó bề tránh khỏi trạng huống “ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung”.

             Ta hãy bắt đầu từ các bậc cha chú thường vẫn được gọi bằng thế hệ các nhà văn tiền chiến, may mắn thay cho họ thoát được nguy cơ “để trống nền giáo dục phổ thông sẽ tạo thành cái lỗ hổng cả đời chẳng bao giờ lấp nổi“ mà nhà giáo dục học Makarencô đã khẳng định rất chí lý. Vâng, thật may mắn thay cho những Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên... thời mài ghế nhà trường phổ thông còn được tiếp xúc với các nhà Ánh Sáng, với Hugo, Balzac, Appolinaire, Rimbaud... và cũng bất hạnh thay cho họ vào độ tuổi chín nhất của ngòi bút lại theo Đảng kéo nhau hết lên rừng chém tre, đẵn gỗ, học tập, kiểm thảo và đổi bầu sữa mẹ, từ nay trong cái nhà trẻ của thời đại công nông - Diên An, Lêninít, Xtalinnít... sẽ là nguồn sữa mới, cách ly với cả một thời “phục hưng” sau Thế chiến 2 bùng nổ những trào lưu hiện sinh, hiện đại chủ nghĩa... Sau 9 năm kháng chiến, các nhà văn “con nuôi” của Đảng vốn nặng mặc cảm “ăn theo cách mạng” trở về Hà Nội choáng ngợp trước nhũng sách vở, tạp chí mới chất đầy trong "Thư Viện Quốc Gia”; nhưng than ôi từ nay trong mắt họ đã được gắn tròng kính mới để thấy “Picasso là nấm độc mọc trên  cây gỗ mục của chủ nghĩa tư bản”, di truyền học và phân tâm học là sản phẩm của tư sản đế quốc.

               Các nhà văn thế hệ hai lớn lên trong kháng chiến chống Pháp, cậy thế con đẻ cách mạng, giáo dục phổ thông chưa mất căn bản, dám “nghĩ ra ngoài những điều Đảng nghĩ”, sục sạo vào tinh thần dân chủ mới sau thế chiến nhờ thế ta có được những Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm... Nhưng tiếc thay, chẳng tới được tầm cỡ như Andre Gide đã khẳng định, ”trong thời kỳ bị câu thúc và kiềm tỏa nhất” hiệu năng đầu óc của họ cũng chẳng đạt tới mức độ cao nhất, bởi thế khi được “cởi trói”, những gì mà các “thiên tài trong bóng tối” trình làng thượng số cũng chỉ tới mức “Men Đá Vàng” của Hoàng Cầm, ”Những Đường Phố Và Những Cột Đèn” của Trần Dần,  “36 Bài Thơ Tình” của Lê Đạt và Dương Tường, ”Ô Mai” của Đặng Đình Hưng, ”Porcinovani” của Nguyễn Xuân Khánh... không mấy gây được tiếng nổ nào.

               Sự “mất căn bản” trong thế hệ trí thức thứ ba những người cầm bút mới kinh hoàng, lớn lên dưới mái trường XHCN, học kiến thức phổ thông thì ít, chính trị Mác-Lê thì nhiều, bởi thế những cây bút thời chống Mỹ như Lê Lựu, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy... một thời chỉ cần đọc hai tập “trói voi bỏ rọ” “Phương Tây Văn Học Và Con Người” của giáo sư Hoàng Tôn Trinh là họ đã yên chí  nắm được “phần còn lại của thế giới” bên ngoài các nước XHCN, họ xúm vào chửi “Chủ Nghĩa Hiện Thực Không Bờ Bến” của Garaudy mà chưa đọc ông ta nổi lấy một trang mà chỉ “hóng chuyện “ qua các bài tóm tắt.

              Ấy thế nhưng đến cái thế hệ thứ tư, học hành loạng quạng đèn dầu nơi sơ tán, ngắt quãng vì tiếng còi báo động, đầu óc bị phân tán và chia cắt tới từng phân vuông vải, từng gam mỳ chính trong các ô tem phiếu và khi dứt chiến tranh ngay lập tức họ được đi Liên Xô, đi Đức... học hành với hành trang rỗng tuếch của một tuổi thơ thực sự là thất học. Từ vùng sơ tán nông thôn Việt Nam họ nhảy dù xuống những trung tâm văn minh Mạc Tư Khoa, Béclin... choáng ngợp trước tiện nghi và văn hóa trước đó họ mới chỉ thấy trên phim ảnh, họ nốc vội nốc vàng mọi thứ vào bao tử thành bội thực, “tẩu hỏa nhập ma”. Và than ôi đại đa số các tiến sĩ, phó tiến sĩ, những nòng cốt làm nên trí thức hiện đại là phần lớn thuộc đám này.

Một cô tiến sĩ tin học ở Đức về hiện giảng dậy tại một trường Đại học ở TP Hồ Chí Minh, từ khi về nước cứ luôn miệng ca cẩm chê bai Việt Nam và hết lời tâng bốc nước Đại Đức. Và thưa bà Phạm Thị Hoài, mặc dù có rất nhiều nỗ lực đào thoát khỏi cái “thành phần xuất thân“ này bà vẫn thuộc về họ, những con người bị “chói lòa”, “tẩu hỏa nhập ma” bởi sự hấp thụ sống sít các nền văn hóa phương Tây khi trong bài hai lần bà tâng bốc nước Đại Đức: nào là ”Tôi cũng xin nói thẳng là chúng ta đang sống ở một nước không nghèo và không lạc hậu tí nào là nước Đức...”; nào là “Tôi cứ nhìn cái cách tự tra vấn mình, tự hành hạ,  tự truy tội,  tự xỉ vả mình của một dân tộc như dân tộc Đức này mà phải nhận ra rằng: Đó là một dân tộc đã đạt được nhiều thành tựu đến mức nào mới làm cái việc cũng rất ư là quý phái là tự phê bình mình như vậy”, trong khi đó bà lại giống y chang cái cô Tiến sĩ ở Đức về kia, mạt sát, xỉ vả Việt Nam không tiếc lời: ”Xã hội Việt Nam là một tập hợp tạm bợ, rời rạc và hoàn toàn không hữu cơ.  Có những cá nhân hoang mang và bất ổn. Về xuất phát điểm là như vậy, vấn đề đặt ra là trong cái số phận dường như là vĩnh viễn hẩm hưu...”, ”. Chỉ có nước Việt là chưa bao giờ như thế mà thôi. Tôi thậm chí không dám nghĩ tiếp rằng là khi cháu tôi hoặc chắt tôi sinh ra thì chúng ta vẫn không thoát được cái kiếp đội sổ như vậy...” Tôi không dám cãi với  bà rằng ông tây bà đầm người Đức hơn dân Mít ta nhiều lắm, ta lại càng thua họ ở chỗ chưa bao giờ có gan nhét cả 6 triệu người Do Thái vào lò Auschwitz đốt cho chết lấy xương tro làm phân bón, lấy da người làm chụp đèn ngủ, ta cũng muôn đời cũng chẳng bén gót họ khi họ gây ra hai cuộc đại thế chiến giết chết một phần tư nhân loại. Ôi, cái căn bệnh “chói lòa”, ”tẩu hỏa nhập ma” khi mang một “lỗ thủng cả đời không lấp nổi“ nhảy bổ vào nền văn hoá phương Tây khiến cho con người ta chua ngoa ngộ nhận đến như thế. Cái căn bệïnh trầm kha đó đã để lại nhan nhản các dấu vết dọc dài trên khắp bài nói chuyện của bà Phạm Thị Hoài. Nào là “văn chương Việt Nam cả một thế kỷ 15 chỉ được một ông Nguyễn Trãi, cả một thế kỷ 16 hầu như toàn là nhạt nhẽo và trung bình cả” (thế còn Lê Thánh Tôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm?), nào là “Khổng Tử chả làm được điều gì khi còn đang tại chức, Khổng Tử chỉ có đánh xe đi bát phố,  nghe nhạc và bình phẩm về đàn bà, về cách hoạ đàn bà là đúng hơn khi tại chức”. (sic). Bà lại còn ra giọng kẻ cả so sánh khập khiễng: “Và một nhà văn tài hoa từng được coi là thần tượng của sự ngông nghêng, thách thức như Nguyễn Tuân; thực ra cũng có thể so với Nguyễn Du...” Ôi thôi thôi, bà PTH làm sao biết được ông Nguyễn Tuân treo cổ bản thảo mình lên để phản tỉnh, và thường khoe mỗi lần đi thực tế đều vào các huyện ủy để được cơm bưng nước rót, thế rồi Tùy Bút Sông Đà, Hà Nội Ta Đánh Mỹ Giỏi... Than ôi ông nhà văn giống như một người làm xiếc trên dây, chỉ tiếc cái dây chăng đã đặt xuống đất rồi mà ông tưởng nó vẫn còn treo cao nên cứ vẫn còn đu đưa ưỡn ẹo mãi; Vậy làm sao mà thành “thần tượng của sự ngông nghênh”, làm sao so được với cốt cách cụ Nguyễn Du mà đời sau vua Tự Đức còn đòi nọc ra đánh đòn? Ấy, cái sự “tẩu hỏa nhập ma” làm bà cứ nói lấy được như thế. Câu trước bà viết: ”Chúng ta có thể lấy hẳn của người Chiêm Thành một giống lúa chiêm mà chả buồn học hỏi gì nhiều ở văn hoá và ngôn ngữ của họ”, và liền đó bà lại viết điều ngược lại: ”Chúng ta lấy biết bao điệu nhạc buồn của họ vào chính cái quan họ Bắc Ninh nổi tiếng. Chúng ta đã khiến cho cái làn điệu dân ca đó trở nên buồn nhất trong các làn điệu dân ca của miền Bắc...” Ô hay, vậy chưa phải “học hỏi ở nền văn hóa và ngôn ngữ của họ” chăng? Liệu bà PTH có biết rằng ông cha ta đã bắt biết bao nhiêu thợ giỏi của họ ra ngoài Bắc lập thành các “Sở” thủ công mỹ nghệ (Yên Sở ngày nay phải chăng là một dấu vết) và chính từ đó kiến trúc, điêu khắc Việt Nam mới khởi sắc và như vậy chẳng phải là “học hỏi” thì là gì? Vậy sao bà còn nói liều: ”Chúng ta (...) chả buồn học hỏi điều gì ở họ,  không buồn nghiên cứu chút gì về họ và thậm chí dường như chúng ta chôn phắt họ đi không tiếc nuối gì hết.” Căn cứ vào đâu bà nói phứa phựa: ”Dĩ nhiên là người Việt vừa học vừa chửi, giống hệt như vừa học vừa chửi người Pháp, vừa học vừa chửi người Liên Xô,  vừa học vừa chửi người Mỹ”. Rồi cứ hàm hồ như thế bà xây dựng nên cả một “lý thuyết” “lưỡng phân” trong người trí thức. Vậy nhưng tôi thật nghi ngờ nó khi cái sở học của bà lộ ra chẳng được là bao lúc bà “chửi” tiếng Nôm của ta. “Muốn dùng chữ Nôm thì người ta phải biết dùng chữ Hán trước đã, rồi sau đó phải học nguyên tắc cấu trúc chữ Hán vốn rất là phức tạp như vậy vào làm sao cho nó thành ra cái gọi là chữ Nôm.” Dạ vâng, thưa bà để ký âm tiếng nói của ta, ông cha ta đã phải mượn chữ Hán để tạo ra cái mà bà gọi một cách khinh miệt “cái gọi là chữ Nôm”.

            Ta hãy coi cái ví dụ của bà: ”Tôi lấy một ví dụ: chữ "Trời" chẳng hạn,  muốn viết ra mặt giấy thì ta phải viết như thế nào? Thì người ta phải biết hai chữ Hán là chữ "Thiên" và chữ "Thượng", phải biết cách ghép hai chữ này lại với nhau để thành một chữ  "Trời". Quả nhiên là một cái logic vô cùng kinh hoàng đối với hình dung của tôi, cứ làm như còn một cái "Thiên" nào khác ngoài cái "Thượng" đó.  Mà đã thế sao không dùng luôn tiếng Hán chỉ có một chữ "Thiên" là xong, tại sao lại hai lần tiếng Hán như thế gộp vào nhau để ra thành chữ "Trời"? Trong cái công trình sáng tạo chữ Nôm ấy, rõ ràng "Sáng tạo là gì? - Là ghép hai cái dập khuôn vào với nhau!”

            Quả thực đây là một ví dụ tiêu biểu cho cái sự “tưởng cái gì cũng biết” của một cây lúa tự kéo mình lên. Thưa bà PTH, chẳng phải đại trí thức gì, người ta cũng có thể hiểu được ông cha ta tạo ra chữ Nôm theo nhũng quy tắc hẳn hoi chứ chả phải là một thứ “lôgích kinh hoàng” điển hình cho cái “tinh thần làm khổ dân” như bà nói. Chẳng hạn  khi tạo ra chữ “gạo”, chữ Nôm viết chữ “mễ" liền với chữ “cáo”, tạo chữ “chó" ta viết chữ  “cẩu” liền với chữ “chủ”. Vậy là đủ hiểu một chữ Nôm bao giờ cũng có hai thành phần “biểu âm” và “biểu nghĩa”. Trong chữ ‘trời” mà bà dẫn chứng, ta viết “thiên” “biểu nghĩa” và vì không tìm được “biểu âm”  “ời”, ta thay nó bằng chữ “biểu nghĩa” “thượng” cho đủ hai thành phần trong một chữ Nôm như đã quy ước. Vậy thì có gì mà bà phải trách ông cha ta “sáng tạo là gì?' là ghép hai cái dập khuôn vào với nhau...” Ở đây điều đáng trách chính là cái sở học xem ra chưa tới đâu mà đã có tính cách   "chửi cha ông"!- Và phải chăng trong bài diễn thuyết bà cứ xách mé với giọng trống không “Khổng Tử, Nguyễn Trường Tộ, Tự Đức, Nguyễn Du, Trần Dần...” là bà tự kéo bà cao hơn lên được một chút? Chẳng lẽ sự mất căn bản trong học vấn của bà đã sâu sắc đến độ quên mất cả cung cách xưng hô trong “văn hóa thuyết trình”? Rồi thì bà lại nói bừa phứa: ”Thí dụ như nói dến ông Bụt chẳng hạn,  nào ai còn rạch ròi rằng đấy là một ûngoại kiều Ấn Độ mà tên phải gọi là Buddha cơ.” Ô hô... Thưa bà PTH, tên cái “ông ngoại kiều Ấn độ” ấy tên là Tất Đạt Đa (Siddharta) cơ, hoặc Cồ đàm (Gautama),  có họ là Thích ca (Cakya), chứ tên ông ấy đâu phải là Buddha! Còn Buddha với hai cách phiên âm là Bụt hay Phật chỉ là danh từ chung chỉ “người giác ngộ”. Đó là lý do tại sao trong đạo Phật lại có... nhiều Phật, tức nhiều Buddha!!! Lầm lẫn đến như thế thì kiến thức về Phật  giáo của bà tới đâu, đã thếø bà còn cao giọng “bởi lẽ giữa chữ Bụt và chữ Phật có một khoảng trống, và trong khoảng trống ấy là ông thầy Trung Hoa “ thì thử hỏi còn ai... tin được bà!

              Cũng bởi lẽ đó tôi nghi ngờ cả cái lý thuyết “tư cách chính thống của trí thức Việt Nam” mà bà ban phát sự rao giảng một cách rối mù, trong đó nếu nôm na giản dị thì huỵch toẹt ra rằng bà chửi trí thức Việt Nam đều làm quan hết, nghiện quan, nịnh nọt quan, viết lách theo ý quan hết. Vậy thì cái Cục an ninh văn hóa-tư tưởng ở VN bây giờ, hà cớ gì vẫn phải tồn tại và phát triển mạnh mẽ như thế? Vậy thì đâu rồi cả một dòng văn thơ samizdat (tự xuất bản) của miền Bắc thời đó? Đâu rồi các nhà thơ "chân đất" như Phan Đan (người  đã có một thời đỡ đầu tinh thần cho chính bà), Hữu Loan, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Xuân Khánh, Vũ Thư Hiên, Nguyễn Chí Thiện... Và còn rất nhiều người khác, người khác nữa, phải chăng họ đều không phải là trí thức? Vậy thì tư cách chính thống của họ nằm ở đâu?

Sau khi mạt sát chán chê trí thức miền Bắc, bà lại quay sang xoa đầu trí thức miền Nam: ”Công bằng mà nói thì ở một giai đoạn ngắn của lịch sử, tức là ở đầu thế kỷ 20, trong cả nước từ năm 1945,  đến năm 1975 ở miền Nam có một cơ hội để cặp bài trùng tri thức và quyền lực có thể tách nhau ra được và quả thực cũng có tách nhau ra phần nào. Nhưng đấy là một khoá học tiếc thay là rất ngắn, quá ngắn để giới trí thức Việt Nam thoát ra khỏi cái vòng kiềm toả bằng quyền lực chính trị để trở thành một lực lượng độc lập như giới trí thức ở các xã hội dân chủ hiện đại”. Thì cứ cho là ở Sài Gòn từ năm 1945 đến 1975 quý vị trí thức có cơ hội chẳng thèm chơi với chính quyền đi, nhưng mà trước nữa, trước nữa cũng đã có Đảng cộng sản đâu mà trí thức không có cơ hội như thế? Vậy thì cái điều bà ví von là “khóa học” ấy đâu có quá ngắn ngủi để người trí thức “thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa của quyền lực chính trị“? Mà sự thực họ có sợ và có hám quyền lực đến như thế chăng? Hay là bà PTH suy bụng ta ra bụng người?
 

              Viết theo lời mời của ban biên tập Cánh Én đến đây đã khá dài mà vẫn còn khối điều có thể nhặt nhạnh ra được để thưa chuyện với bà Phạm Thị Hoài. Nhưng thôi, trước và sau tôi, chắc còn nhiều vị lên tiếng góp ý. Bởi vậy tôi xin được phép ra giọng người trên, lặp lại câu nói của bà: ”Tôi xin dừng lại ở đây...”
 

   PHÙ VÂN

April  27,  2001   

* * *