*























Tủ sách talawas
15.2.2007

Thanh Tâm Tuyền

Thơ ở đâu xa

 1

Mục lục
Thơ ở Long Giao (1975-1976)
Ngày đến Long Giao
Thức sớm
Đêm thu ở Lán 9 Long Giao
Xuân
Thơ thuốc lào
Thơ ở Yên Bái (1976 – 1977)
Bão
Hái chè dưới trời mưa tháng 7
Trưa giao mùa trên đồi cọ
Thơ làm khi đi nuôi cá
Thơ ở Lào Cai (1977 – 1978)
Trên đồi sắn mùa Đông
Trăng tù
Chủ nhật trời mưa
Sinh nhật trong tù
Interlude
Bài nhớ thi sĩ

Thơ ở K2 Tân Lập (1978 – 1980)
Chiều cuối năm qua xóm nghèo
Đêm đông ở K2 Tân Lập
Thư gửi P. L. P. ở K5
Nhổ cỏ hương nhu nhớ bạn
Chiều nắng hanh trên đồi hương nhu
Thơ tình trong tù
Sinh nhật húy nhật
Vang vang trời vào xuân 

Ngã trên núi Việt Hồng Yên Bái khi đi lấy nứa

Thơ ở K5 Tân Lập (1980 – 1982) 

Tháng mười cấy rau lấp 

Trưa, tù, bướm

Tắm suối ngày hè 

Chủ nhật lên núi kiếm củi 

Trà, sớm và tối 

Bão muộn

Gương mộng

Bài tặng họa sĩ 

Thơ tặng bạn đi cày

Ba bài sinh nhật con gái 

Từ những ý thơ thấp thoáng 

Sinh nhật thứ 9 của Th. 

Bài ru tháng 5

*

Long Giao (1975-1976) 

1. Ngày đến Long Giao 

Tinh mơ xe đến Long Giao
Đón người đám cỏ tranh cao ven đường
Ngửng trông núi khuất mờ sương
Mây bay tất tưởi, mưa rong tần ngần
Tiêu điều ngơ ngác trại quân
Ngổn ngang chiến cụ trận tàn bày phơi
Đất bùn đỏ bết chân người
Xanh um bờ bụi, tả tơi lũy đồn
Nhà trống trải, vách gió ruồng
Vắng tanh thố lộ tình suông lạ lùng
Rắn trơ nền nhớp ngả lưng
Hé trời manh múm rách bươm khói đùa 

2. Thức sớm 

Ngày chưa thức hồi kẻng
Mờ bạc trăng hạ tuần
Giông đầu hôm khuya lắng
Gợn heo hút phân vân
Đứng ngây trời tối sũng
Ngóng tiếng gà thôn gần
Nghe xa rừng núi bủa
Lùa âm u xốn xang 

3. Đêm thu ở lán 9 Long Giao

Giật mình tỉnh giấc
Bó gối trong mùng
Ai đâu mớ hoảng
Thét tiếng hãi hùng 

Heo may rập rờn
Rung âm mái tôn
Núi rừng vây khuất
Lán khuya tối tăm
Vo ve muỗi mòng
Người nằm chen chúc
Lúc nhúc mặt đất
Tỏa ám khốn cùng

 

Đây đó ngủ thức

Trằn trọc mông lung

Vách khe chuột rúc

Nỉ non dế trùng

 

Bóng đè ngộp câm

Người vùng giẫy dụa

Khủng khiếp ú ớ

Mê sảng thì thầm

 

Đêm dài thu phân

Vi vu lạnh nhạt

Hư thực bần thần

Cô đơn ai hát

 

Vẳng lời đạm bạc

Điệu khúc thời xuân

Như xa như gần

Tình chung mộng biệt

 

Ngoài đêm trôi tít

Theo sao tàn vong

Theo gió mờ mịt

Ngày lên ngại ngùng

 

(1975 – 1988)

 

 

4. Xuân

 

 

Tặng B.G.

 

 

Vẫn thấy trong mơ đời trở giấc

Cỏ cây rủ quyến gió bông lông

Trời xanh trong vắt giếng nước ngọc

Đất hiền thở hương nắng thênh thang

 

(1976)

 

 

5. Thơ thuốc lào

 

Ngồi đây hút điếu thuốc lào

Gạt bên mấy nỗi mày cau dạ phiền

Điếu thông đóm nỏ khói êm

Hút vào sẽ thấy đảo điên đất trời

Bạn tù ơi lửa châm mồi

Rít cho ròn rã mê tơi cõi lòng

Ngậm hơi nếm vị phiêu bồng

Nhẹ thân lơ lửng hết mong cùng chờ

Kể chi vợ dại con thơ

Tính chi chuyện cửa chuyện nhà mai sau

Sá gì một cuộc bể dâu

Loay hoay chỉ tổ bạc đầu mà thôi

Lại thêm trà đượm rót mời

Long Giao còn thú tuyệt vời nào hơn 

(1975)
*

 

 

Yên Bái (1976-1977)

 

6. Bão

 

 

Tặng N.X.T.

 

 

Trận bão thổi tắt đám sao sáng mùa hè

Cuốn thốc tán loạn ký ức mỏi mê

Cuồng giông đêm đêm lay ngục mộng

Va chạm hỗn độn những tối tăm

 

Áp tai xuống ngực em nghe ruổi chĩu nhịp trầm

 

 

7. Hái chè dưới trời mưa tháng 7

 

Mưa rối mắt đong đưa búp lá nõn

Thoáng lơi tay tỉnh thức ngón tê mê

Nghe gần gũi sa đà trời tháng bảy

Gió xa xôi từ mạn lãng quên về

 

 

8. Trưa giao mùa trên đồi cọ

 

Gió sang mùa reo lộng đồi cọ

Rào rạt mướt xanh ngỡ mưa lay

Nhìn nắng lóa trắng ngoài tàn lá

Cơn sốt tình rực rỡ đắm say

 

 

9. Thơ làm khi đi nuôi cá

 

Cánh cỏ trên vai thơ trong đầu

Trời chớm thu hạ mường tượng hồng au

Tung hê cỏ vụn trên hồ vắng

Băm nát tình si đều nhịp dao

 

 

 

*

 

 

Lào Cai (1977-1978)

 

10. Trên đồi sắn mùa đông

 

Trời thấp gió nhốn nháo

Tai ù buốt huyên náo

Chống cuốc đứng sườn đồi

Đói, mệt, thở khò khạo

 

 

11. Trong tù

 

Trăng lạnh soi mái ngoài

Lênh đênh đâu chẳng thấy

Gió hú rợn núi đồi

Đêm sâu nín khắc khoải

 

 

12. Chủ nhật trời mưa

 

Chờ cơm ôm bụng lép đo giường

Muốn sang chơi bạn sợ người trông

Đổ trận mưa giông trời tối sập

Buông sách ngồi lên ngó trống không

 

 

13. Sinh nhật trong tù

 

Vợ con không ở gần

Bạn bè xa tất cả

Cùng đôi bạn tù thân

Uống trà ăn “bánh đá”

Trời có mấy độ xuân

Đất bao nhiêu miền lạ

Chưa ngấy tiệc trần gian

Hồn rung xanh búp lá

 

 

 

*

 

 

14. Bài nhớ thi sĩ

 

 

Tặng già Ung

Gửi M.T.

 

 

Sáng nay thức giấc trong nhà giam

Anh nhớ những câu thơ viết thời trẻ

 

Bừng cháy trong lòng anh bấy lâu u ám quạnh quẽ

Ánh lửa mênh mang buồi tình đầu

 

Mưa bụi rì rào

Gió náo nức mù tối

 

Trễ muộn mùa xuân trên miền cao

Đang lay thức rừng núi biên giới

 

Đã qua đã qua chuỗi ngày lạnh lẽo, anh tự nhủ

Cũng qua cơn khô cạn khác thường

 

Tắt theo ngọn nắng chon von mê hoặc đầu óc quái gở

Từng thiêu đốt anh trên đồi, theo vào đêm dập vùi anh đớn đau

 

Từ lúc nào anh đứng trân trối cô đơn

Hôn ám trời sơ khai nhìn qua song cửa ngục

 

Hoang vu thơ hát lời lá cỏ heo hút

Dẫn anh về tận nẻo nguồn hừng đông lẩn lút

(Hừng đông Hừng đông ôi Hừng đông anh kêu khẽ cảm động muốn khóc

Mai, Mai xa, Mai như hoa, Mai hoa. Mai về tình thơ hôm nay)

 

Em có hay kẻ tội đồ biệt xứ một buổi về ngang cố quận

Xao xuyến ngây ngô hắn dò hỏi lớp bóng mờ tàng ẩn

 

Đêm vây hãm lụn dần

Thủ thỉ mưa ru ngày khốn đốn

 

Em, soi bóng em hồn nhiên ngược lối thời gian

Lặng lẽ anh gầy lửa tinh mơ đầm ấm.

 

(Lào Cai 5/77,

Vĩnh Phú 1/78)

 

 

 

*

 

 

Vĩnh Phú (1978 – 1982)

Tân Lập K 2 (1978 – 1980)

 

15. Chiều cuối năm qua xóm nghèo

 

Mưa bay lất phất gió căm căm

Đường lầy trơn nhà cửa tối tăm

Trốn đâu lũ trẻ mặt lem luốc

Co ro đứng xem tù qua thôn

 

Vác bó cuốc nặng bước loạng choạng

Về trong xây sẩm buổi tàn đông

Lạnh lẽo nhà ai không đèn lửa

Ảm đạm lòng ta chiều cuối năm

 

 

16. Đêm đông ở k 2 Tân Lập

 

 

Tặng L.V.T.

 

 

Đêm lạnh nằm co quắp

Thân xương sầu trơ khấc

Bụng trống ruột ục sôi

Đếm hơi thở lay lắt

 

Hòa trong tiếng gió bấc

Suối chảy siết bồi hồi

Lẫn trong nỗi giá buốt

Thoáng rùng rợn xa xôi

Nhớ đã hơn năm trời

Tin nhà trông vắng bặt

 

Chốc đã ba đông rồi

Lưu đày trên đất Bắc

Còn qua bao cửa ngục?

Đây quê mình quê người?

Chốn nào về thân thiết?

Ngày nào được thảnh thơi?

 

Trở mình trên ván chật

Ru dỗ giấc đơn chiếc

Rõi mắt đốm mộng vời

Thương vợ con khôn nguôi

 

 

17. Thư gửi P.L.P. ở K 5

 

Thiếu bạn như đang thiếu thuốc lào

Đường gần nhưng cách trở biết bao

Mấy năm không gặp nhau rồi nhỉ?

Râu tóc long đong hẳn bạc phau?

“Đằng ấy” còn chăng nét “tiếu ngạo”?

“Tớ đây” vẫn một vẻ “tiêu dao”

Mong ngày hội ngộ nằm chung chiếu

Tán gẫu qua đêm như độ nào

 

 

18. Nhổ cỏ Hương Nhu nhớ bạn

 

 

Tặng C.T.

 

 

Giữa ruộng hương nhu lùm tỏa rợp

Lấp mình ẩn kín bóng cô đơn

Bờ xa thấp thoáng người trò chuyện

Kế gần cành rậm rạp bông lơn

Nhớ bạn phiêu du trời xứ lạ

Mình hát mình nghe mãi điệu buồn

 

 

19. Chiều nắng hanh trên đồi Hương Nhu

 

Tuốt những chùm bông hạt già khô

Động nhánh cành lá úa xác xơ

Hè thiêu đốt sót hoa nắm lửa

Chiều gió hanh soi mát im ngơ

 

Mùi hương thoảng nồng hắc bắt nhớ

Mái tóc dầy đầu thềm phơi hong

Đồi rực chiếu nắng quái mê mệt

Đêm lạnh về thao thức theo trăng

 

 

20. Thơ tình trong tù

 

Vẫn em của thuở trăng nào

Đêm hôm nở đón chiêm bao xanh ngần

Vẫn em tình của trăm năm

Đoan trang nét hạnh, thâm trầm dáng thơ

Vẫn em mối kết thiên thu

Vẫn em xoa dịu sầu tư cõi này.

 

 

21. Sinh nhật húy nhật

 

 

Les morts de Lofoten sont moins morts que moi

Oswald L. de Milosz

 

 

Giữa trưa mệt té xỉu trên đồi

Quanh mình vẳng tiếng cuốc liên hồi

Đào huyệt chôn ư? Ơi chúng bạn

Cứ để yên xác tù nằm phơi

 

Nhìn xem gương mặt hắn thanh thản

Lộng nắng bừng say chợp ngủ vùi

Người mang cầm hãm đặng bêu riếu

Hắn “cũng đành xấp ngửa theo đời

Cho hết cuộc ham mê rồ dại” [1]

Hắn tự chôn huyệt gió đáy trời.

 

 

22. Vang vang trời vào xuân

 

Mặt trời hồng như trăng

Thức lòng ta buổi sớm

Gió núi thổi rộn ràng

Gọi nghe biển dậy sóng

 

Chống cuốc đứng vững chân

Trên mảnh đất khốn khổ

Thở hít đến vô cùng

Mãi mê ngắm hồng rợ

 

Vang vang trời vào xuân

Ta bật kêu mừng rỡ

Ơi bè bạn xa xăm

Tim ta cũng cháy đỏ

Rực tựa bóng trăng rằm

 

 

23. Ngã trên núi Việt Hồng Yên Bái khi đi lấy nứa

 

Tuột dốc té nhào trên hẻm núi

Chết điếng toàn thân trong giây lâu

Mưa rơi nhẹ hạt, mưa phơi phới

Chiều đang tàn hiu quạnh rừng sâu

 

Ngửa duỗi chân tay gối trên nứa

Ngó trời nhá nhem nghe mưa mau

Tưởng chừng thi thể đang thối rữa

Hồn viển vông chẳng chút oán sầu

 

Mưa tung tấm lưới trắng dầy khít

Làng xóm dưới núi ở phương nào?

Gió rét tái tê bó liệm chặt

Thiếp lịm hồn quên bãng sước đau

 

Dầm mình trong hạnh ngộ ẩn mật

Hoen nhòa mắt hứng giọt thiên thâu

Dò bước lối mờ nhắm ánh đuốc

Tiếng người lùng kiếm gọi dưới sâu

 

 

 

*

 

 

Tân Lập K 5 (1980-1982)

 

24. Tháng mười cấy rau lấp

 

Bước xuống ruộng bỏ hồn trên bờ

Chân dẫm bùn tay cấy thẩn thơ

Tháng mười sương giá trắng trời đất

Gió hớp hồn bay đỉnh núi mờ

 

 

25. Trưa, tù, bướm

 

Trưa cháy mắt lóa đồng đất rung

Chênh chao trong nắng tỏa bướm hoang

Ẩn hiện chờn vờn quanh tay cuốc

Đáp đậu lòng tay xòe ngửa im

 

 

26. Tắm suối ngày hè

 

Nước xoáy chảy siết nhào trên đá

Táp đẩy xô hụt chân ngửa nghiêng

Kỳ cọ nhớp tanh ngày gớm ghiếc

Nhạo cười theo bọt sóng ngông cuồng

 

 

27. Chủ nhật lên núi kiếm củi

 

Một tay dao quắm, tay cầm gậy

Bò leo dốc đứng, thở mang tai

Lên cao trông xuống xanh rợp lũng

Lâng lâng lòng chẳng buồn nhớ ai

 

 

28. Trà, sớm và tối

 

Ngồi xệp đầu hè

Uống chén trà sớm

Đợi kẻng lao động

 

Quanh mình chộn rộn

Trông trời nín khe

 

Trên giường tầng cao

Hớp cặn trà đắng

Ngó đêm đằng đẵng

 

Ngày không âm hao

Bập bềnh mưa nắng

Còn ai chiêm bao

Bỗng gặp ta về từ quên lãng?

 

 

29. Bão muộn

 

Trăn trở đêm chớp bể

Mệt thiếp lúc cuối đêm

Cuồng giông ùa điên đảo

Nước trút sập mông mênh

 

Ngủ giữa luồng bão

Hồn phách dập dềnh

 

 

30. Gương mộng

 

 

Tặng P.K.T.

 

 

Trờ tới bến sông

Trăng lõa vằng vặc

Ngâm mình giữa dòng

Lãnh cung đáy nước

 

Rớt theo mênh mông

Trong suốt đáy khác

Trời cao hiện hoặc

Vô vàn lồng trăng

 

Lẻ góa nhan sắc

Đêm lộng gương tạc

Nhẹ thênh hình dung

Kỷ hà mộng lạc

 

(K 5. 80

R.G. 88)

 

 

31. Bài tặng họa sĩ

 

I. NẮNG TRONG VEO NGÀY ĐÔNG CUỐI NĂM

 

1.

 

Nắng trong veo ngày đông cuối năm

Vàng sũng thung lũng cầm hãm

 

Xanh,

 

xanh rừng rú lì lợm nghèo nàn

Vây bọc ghì riết ngày tháng

Bỗng sực tỉnh choàng thức dưới nắng

 

Đồng trải vàng diệp im lấp loáng

Đất cày lật bạc phếch trơ cằn

Đồi già trọc bừng hoảng vô vọng

Đá xám khuyết lở hủi mòn

 

Đứng,

 

đứng trần trụi cây chết đỉnh non

Dị dạng tự nhiên tượng trừu tượng

Triền rậm lục mê muội dốc đứng

Thoáng hút trời sụp ngã quạnh không

 

2.

 

Trở về dịu dàng điệu màu sắc

Vàng xa gợn gió rét hoang mang

Xanh thất thần xanh ngây hạnh phúc

Mặt tình nhân tươi rói kinh hoàng

 

Trên lối mòn sâu của tưởng tượng

Gió bay lả tả bóng hoàng hôn

Thanh thoát cơn say rũ tro mộng

Rừng đêm bật rực đắm cháy hồng

 

II. NGÀY XUÂN TRÊN ĐỒNG NỨA

 

Ô chào cô bé áo hồng

Chào cô buổi sáng đầu năm

Trên cánh đồng nhàm mắt ngày tháng

Cô xuất hiện cùng mùa xuân

 

Cô đi bừa với con trâu trắng

Trâu hiền thong thả bước ngoan

Ngày tẻ lạnh đìu hiu nhớ nắng

Áo màu đào ngời ấm không gian

 

Vầng hồng di chuyển tỏa lung linh

Giấc mơ trong trẻo của quãng im

Cô đẹp tựa lời thơ cổ

Mặc áo xuân đuổi trâu cười hồn nhiên

 

Chào tạm biệt cô bé áo hồng

Cũng chào con trâu trắng thong dong

Ngày vơi nhẹ thênh trăng mọc sớm

Ngỡ nhạn lai hồng lạc cuối thôn

 

Trở về trại ngang qua vườn cam

Hoa rộ trắng thơm lừng đồng nội

Vẫn chập chờn sắc hồng trôi nổi

Ngọt ngào hương đắm đuối chiều tàn

 

 

32. Thơ tặng bạn đi cày

 

Người tù như đất tảng trì độn, hít hơi

Mắt đờ đẫn vô giác thiếu ngủ

Đêm qua trời trở rét khô sau những ngày nắng dữ

Đất hóa thạch cứng đày ải người

 

Người nghe tiếng thở phì phò của trâu

Tiếng tim dội ù tai, ngực nhói

Con vật đói và người cũng đói

Bước mộng du theo nắng lao đao

 

Hồi hôm trăng lạnh ngời thanh vắng

Đêm nay, và bao đêm nữa, người tù cũng sẽ thức trắng

Chong mắt dòm đêm rõi lối trăng muộn về

Bất thần ánh sáng tỏ lộ tịch mịch dội vang trầm thống

 

Bừng thoát cơn bải hoải người thúc lưỡi cầy bước mau

Thở dồn hương loãng nhạt của đồng ruộng nhẫn nhục

- Luống cuối cùng, thật ngay. Luống tặng lời chính trực.

Soi bóng mắt nghênh, đen ướt màu bùn, hiền giả, người vỗ về trâu

Trên những cánh đồng đất khốn dạn dầy

Suốt mùa đông ác nghiệt bạo ngược

Trời đất tối tăm giá buốt địa cực

Vẫn lãng du kỳ ảo lời gió khuất mặt đêm trăng xanh bóng tù khổ sai và trâu cày.

 

(11/81 – 4/88)

 

 

33. Ba bài sinh nhật con gái

 

1. TỪ NHỮNG Ý THƠ THẤP THOÁNG

 

Lững thững tôi về. Con gái tôi đón đợi ở cửa. Nó mặc áo bà ba trắng giống mẹ nó hồi xưa. Tươi cười đỡ chiếc cuốc trên vai tôi, lượm cọng rơm khô vướng trên nón, nó hỏi:

 

Chiều nay bố làm được những gì?

 

Hả? Bố làm được những gì? Để xem nào...

 

Tôi ra bộ nhíu mày.

 

Trước tiên bố rãy cỏ đồi sắn. Nắng chang chang đốt gáy và lưng bố, làm mắt bố quáng. Không sao. Hồi sau gió quạt dịu nắng. Bố nghe gió nhẹ hắt bên tai, quanh vành nón đội. Thoạt đầu bố tưởng nghe tiếng huýt gió miệng của con thường khi làm bếp. Bố sực nhớ ra tiếng gió vẫn lẩn quẩn đâu đây từ mùa đông qua. Bố lột nón cầm ở tay, ngó kiếm. Bố không thấy gì cũng không nghe gì nữa. Cái nón cứng ròn như bánh tráng nướng. Bố ngó lui những đống cỏ rẫy vun phía sau đã khô quắt xẹp lép. Thế là bố chống cuốc đứng nghỉ trong dáng một ông thi sĩ đứng giữa ruộng của ông bố đã được trông thấy hồi chưa có con. Ai vậy cà? Bố tự hỏi. Bố chịu thua sau khi đã loay hoay lục tung trí nhớ hết cả buổi. Rốt cuộc bố đã chẳng làm gì cả.

 

Ông thi sĩ? Con gái tôi hỏi: Ông thi sĩ làm gì bố? Ông ta ở đâu?

 

Con ngốc. Đừng hỏi. Đừng có ngắt lời. Ông thi sĩ làm gì? Làm gì nào? Ông ta chẳng làm gì cả, ông ta là thi sĩ. Ông ta ở đâu? Ở đâu xa. Không ai biết, bố cũng không biết. Không quan trọng. 

 

Khi bố thả bước xuống đồi, đến gặp những đám gió, bố nhớ thấy bàn chân con không mang dép, tới lui trong nhà, bố nhớ chựng hôm qua là sinh nhật của con. Bố khựng mình, lầm bầm: Làm gì bây giờ? Tôi phải làm gì bây giờ đây? Tôi thật đáng bị nguyền rủa.

 

Không quan trọng. Con tôi nhái giọng tôi, nghiêm nghị. Có gì đâu bố. Đó toàn là sự thật. Con có huýt gió gọi bố ở nhà khi con nhớ bố đã nhiều. Con có tụt dép, giẫm đất, nhảy chân sáo. Con cũng quên lửng hôm qua là sinh nhật con nên con đã không nhắc bố.

 

Trong các điều bố kể chỉ có ông thi sĩ là con không biết có thật hay không. Còn tất cả là thật, sự thật.

 

Ha, ha. Tôi bật cười to. Bố mày, con ngốc. Lắm mồm miệng. Sự thật. Bố đã nhằn cắn rất nhiều sự thật, nên răng mới mẻ gẫy long lơ đây, như kẻ đói khát khốn nạn vồ chụp ngấu nghiến những mẩu sắn hư thối sót trên đồng. Sự thật như rắn rết, chuột bọ, như rau cỏ, trái quả được ăn nuốt vội vàng bất chấp mọi phép tắc. Bố đã nhai nghiền, trệu trạo đau nhức mọi sự thật bắt gặp. Ha, cô mình ơi, ở đời có đủ thứ sự thật cũng như có đủ thứ hạnh phúc, cô hiểu không? Ông thi sĩ ở đâu xa... Mà thôi bỏ mấy chuyện ấy đi. Cũng không quan trọng.

 

Bố xuống suối tắm. Nước đầy, chảy đục. Mưa lớn trên nguồn đêm qua, hẳn vậy. Tắm xong bố ngồi tựa gốc cây, ngắm chiều đi sang bên kia núi. Bố thấy bố đã ở phía bên ấy. Trong đầu bố lặp đi lặp lại một câu nói của con ngày hôm qua, ngày hôm kia, (hay bữa nay, hay chỉ do bố bày đặt ngay lúc ấy). Thục cà lùi. Thục cà lùi. Thục cà lùi... Bố lại lầm bầm: Làm gì bây giờ? Tôi phải làm gì bây giờ đây? Tôi thật đáng nguyền rủa...

 

Nào có gì đâu bố. Sao bố lại khóc?

 

Bố mày. Tôi cười chảy nước mắt. Con ngốc. Bố mày chảy nước mắt thật ư? Hồi nào?

 

Thật chứ. Sự thật bố à.

 

Nó cười ròn tan, trong trẻo. Bàn tay chai dạn của tôi được nắm chặt, dắt đưa. Tôi thấy mình đứng giữa nhà. Chiếc áo cứng ngắc, loang lổ mồ hôi, được cởi. Một chiếc áo mới nguyên vải sù sì quyện mùi nắng được mặc vào.

 

Tôi được ẩn ngồi trên chiếc ghế đẩu, được ngắm nghía.

 

Chiều xẩm. Nhập nhoạng bóng mờ trong nhà. Mắt tôi như còn vướng quáng lóa ban trưa. Con gái tôi bỗng hiện loanh quanh như vệt sáng đi động trên nền vách đất đang tỏa mát.

 

Tẩu thuốc ngậm trễ bên mép, cắn giữ bằng mấy cái răng chưa đến nỗi, được bật quẹt châm. Tiếng ho sặc rũ rượi. Chiếc tẩu đã cháy được trả lại cho cái miệng móm.

 

Tôi hít dài, thổi phù khói vào con gái tôi. Khói loang trắng um, mùi khét cháy quen thuộc. Không trông thấy nó đâu nữa, tôi nói:

 

Con gái yêu của bố, hai mươi năm nữa...

 

Tôi ngưng ngang, lẩm bẩm:

 

Ha, những tình điên... Quả thật đáng nguyền rủa, phỉ nhổ.

 

(Lào Cai 5/78)

 

 

Ghi chú:

 

Cọng rơm vướng trên nón: thơ St. J. Perse

 

Ông thi sĩ chống cuốc: R. Char.

 

Rồi hai mươi năm nữa...

 

Câu mở “Tình điên” của Breton

Ở đâu xa

 

Nguyên người quanh quất đâu xa

Cũng người một hội một thuyền đâu xa.

 

Nguyễn Du

 

 

2. SINH NHẬT THỨ CHÍN CỦA TH.

 

Chiều nay chú Th. mang cho bố miếng sữa đặc để chấm ăn bánh bột hấp. Bố đưa chú ra ngoài thềm ngồi.

 

Trên sân còn đọng vũng bùn nước do những trận mưa dầm tuần qua, tù từng nhóm xúm xít chia phần ăn. Chú Th. phân vân rụt rè lấy từ túi áo trao cho bố một phiến đá nhỏ “để anh gửi cho cháu Th.”. Chú đã nhắc bố đến ngày sinh của con.

 

Mặt đá tròn, chú lượm khi ở trên Sơn La, kỳ khu mài nhẵn, dùi lỗ, chẳng biết để làm gì. Chú chẳng có ai để gửi tặng. Chú mang đưa bố để bố cho con. Đá đen có vân giống như màu đêm - những đêm nào trong thơ bố hửng lên huyễn hoặc trong tiếng hát say của bác C. T. ngồi trước đàn, hát cho riêng mình bạn nghe, tiếng hát giữa hai người, bây giờ cũng đang hửng trên mặt đá.

 

Bố nói trong xách tay của bố cũng đã có một món quà cho con mang theo từ Long Giao. Đó là chiếc vòng đeo tay bằng nhôm vỏ đạn do chú Tr. khắc họa, chạm trổ. Vòng ghi tên con nguyên vẹn, vẽ hình một giàn nhạc. Bố cũng nói bố không biết làm gì để gửi làm quà cho con gái. Bố chỉ biết làm những bài thơ, và từ đây mỗi lần sinh nhật con bố sẽ làm một bài.

 

Ngày bố gặp lại con, con sẽ có chiếc vòng của chú Tr., phiến đá của chú Th., và những bài thơ của bố. Ngày nào bố con gặp lại nhau? Bao giờ con được đọc và đọc được những bài thơ này? Bố không thể biết.

 

Dù sao bố vẫn viết.

 

(31-5-79)

 

Cô sinh mùa hạ, ngày cuối tháng Năm, ở Thành phố miền núi.

 

Mùa hạ. Mùa hạ đó. Mùa ửng cỏ mướt. Như sóng dồi, biển gió động, thông rừng nô nức. Muốn bay biến. Nắng đùa nhẩy, tuôn nhầu, luông tuồng, từ núi thẫm rủ xuống vực lục diệp rối bời. Trong vườn tược rậm rịt lối, lúc trưa bằn bặt như sẽ chẳng khi nào thức dậy giữa ráo riết gió nắng, chĩu rớt quả chín. Ô, trái quả ngậm nồng cay hương lửa tinh mật.

 

Mùa hạ. Mùa hạ cháy im ắng bất tuyệt.

 

Cuối tháng Năm, chiều thất tán quay cuồng. Mưa tráng trời ngập phố xá. Hư ảo cây cối vật vã. Gió trở giọng không ngớt gọi lồng lộng; từng chập thốc quật xàm xở khiếp đảm, từng chập quẫn bách lao đao như thần trí bị vô hồi truy nã. Rồi cũng nguôi ngoai mưa. Đêm đến sâu hoắm như thạch động trong điệu ru riêng lẻ cùng cực tiếng gió lẫn trốn.

 

Bấy giờ bố cố thức nghe sự nín biệt mọi ngân nga, đồng vọng.

 

Bao giờ cô trở lại thành phố miền núi? Hãy trở về đúng ngày sinh của cô, thiếu nữ thân tình và lạ hoắc với thành phố như những ánh mặt trời xa tắp lóng lánh trong mắt cô. Trở về cùng lúc với gió nắng trải óng và bóng rợp lượn lờ triền núi. Mưa rào, giông lốc sẽ vẫn đúng hạn, tưng bừng. Sẽ vẫn những trò hội xưa, điệu hát cũ của của rừng thông, thung quả bát ngát chào đón.

 

Hạnh ngộ. Hạnh ngộ.

 

Cô thủng thẳng bước trong chiều mưa mờ đục. Không trú ẩn. Nước đẫm mặt tương tư trầm tĩnh. Đường phố của mình cô. Cô choàng áo màu đêm núi tím than hay che chiếc dù màu trăng đỏ úa? Cô có nhớ đeo trên cổ mặt đá đen như tròng mắt chết thời chiến tranh mà bố cô, chú cô bị giạt đắm? Cô có nhớ đeo chiếc vòng tay bằng vỏ đạn chạm khắc nhũ danh và giàn nhạc cổ? Nhạc tấu khúc định mệnh bi tráng bố cô từng nghe, nghe thấu hết thảy mọi nỗi trong cõi mông muội đày ải. Cô có nghe?

 

Cô có đi ngược những con dốc, thở mau, ước cảnh ấm cúng gia đình trong ngôi nhà ẩn cuối lối mòn? Cô có ngồi lại bên hồ, nhìn mặt nước phơ phất sương lam dưới trăng non yếu? Cô có đứng trông giải phố thấp dưới chân đồi, gió ở đấy vẳng lên mãi điệp khúc phù du thủ thỉ.

 

Cô có bỗng thấy mình lố bịch, kệch cỡm, thẹn thùng và cũng thấy mình vòi vọi kiêu hãnh tuyệt trần? Và lúc ấy cô có nhớ đến bố mẹ anh em ruột thịt?

Cô có nhớ ...

 

Ghi chú:

 

Để đọc bài thơ này cô Th. nên nghe lại đoạn Presto trong “Hạ khúc” của Vivaldi, đọc lại The Phoenix and the Turtle của Shakespeare và bài sau đây của S. Beckett:

 

Je voudrais que mon amour meure

et qu’ il pleuve sur le cimetìere

et sur les ruelles où je vais

pleurant celle qui crut m’aimer

 

Ghi chú tiếp

 

Cô Th. Năm 80 không có bài thơ nào cho cô như đã hứa. Cuối tháng 5 mẹ ra thăm bố. Tháng 8 chuyển trại. Đồ đạc bị khám xét, những bài thơ bị mất. Bố đành cố nhớ, chép lại, đồng thời làm lại hai bài của những năm 78, 79. Vậy coi như bài năm 80 là hai bài cũ sửa chữa, thêm thắt, khác tí chút với những lần viết đầu. 

(Tân Lập K5 9/80)

* 

Bài ru tháng 5

 

Tháng Năm mưa núi nhộn nhịp phố

Khúc dạo xanh tươi mở vào hạ

Hè cao nguyên chín mùi độ xuân

Dòng nhạc tuôn tràn điệu niềm nở

 

Tháng Năm nắng trong ủ mật hương

Óng biếc sau mưa những rừng thông

Thiếp mê tình tứ trên đồi cỏ

Ngày nhởn nhơ khoác áo huy hoàng

 

Tháng Năm nườm nượp gió xa lạ

Rủ rê mặt trời về hớn hở

Trong vườn nhốn nháo giọng trăm miền

Ngất khuya còn nỉ non hàn huyên

 

Tháng Năm ghé tạt cánh bão tố

Giông trốt buông lung đến suồng sã

Thú dữ từng bày động cỡn đêm

Hoan lạc reo quần thảo Rừng Đen

Tháng Năm về dặt dìu quên nhớ

Mưa sao trút sáng biển soi im

Tháng Năm về nhặt khoan điệu vũ

Mây bão xô lồng, trăng lênh đênh

 

Tháng Năm về, đong đưa tâm sự

Võng ru qua lại vực thời gian

Tháng Năm về du dương tình mở

Sinh nhật con mẹ khóc mơ màng.

 

(5 – 81) 

Ghi chú của nhóm thực hiện bản điện tử cho talawas 

Chúng tôi dựa vào bản đánh máy chữ do nhà văn Phạm Kiều Tùng thực hiện từ bản thảo viết tay của nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, khoảng đầu năm 1985. Bản này đã được Thanh Tâm Tuyền xem lại từng bài, trước khi đóng thành tập Thơ ở đâu xa để lưu giữ, xem như bản đầu tiên, và chuyền tay trong giới bạn đọc. Vào năm 1990, Trầm Phục Khắc tại Mỹ cũng xuất bản Thơ ở đâu xa, cơ sở Văn phát hành, bìa 1 của Duy Thanh, bìa 4 của Ngọc Dũng. Bản quyền đề cơ sở Văn và Thanh Tâm Tuyền. Điều đáng lưu ý là 2 bản này có nhiều bài, nhiều đoạn, nhiều câu khác nhau, chúng tôi chưa xác minh được nguyên do. 

[1]Tư Mã Thiên – “Thư gửi bạn”