gau





PHỎNG VẤN DỞM

 
Phỏng vấn dởm. Phỏng vấn tưởng tượng. Nói chuyện với đầu gối. Tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ [Thanh Tâm Tuyền].  Một Thế Giới Của Riêng Tôi, Nhật Ký Mơ, A World of My Own, A Dream Diary [Graham Greene]. Tôi Nhìn Tôi Trên Vách [Tuý Hồng]. Borges và “Borges”… “Chẳng lẽ Gấu mà không phải là… Gấu ư?”, mỗi một cái tên như thế, là một chút khác biệt.
Nhưng có lẽ, tới một lúc nào đó, đây là một cách nhìn lại. Theo kiểu mở ra Cuốn Sách Của Bạn Tôi, của Anatole France.
Nhưng muộn màng hơn:
Thay vì “ở giữa”, “au milieu du chemin de la vie", thì là “ở cuối đường đời”.
Hay mượn câu thơ của chính Gấu:
Ngoảnh nhìn lại quãng nửa nhà nửa chợ,
Nỗi buồn vạch một nét dài.
Thay vì :
Hãy ngủ đi, các con thân yêu,
Ngày mai chúng ta lên đường
Thì là:
Hãy ngủ đi, mấy đứa cháu nội, cháu ngoại
Ngày mai, ông đi luôn...
Thì cứ coi đây là một cõi mơ, như đã từng trải qua quá nhiều cõi mơ trong đời.
 *

-Gấu viết văn từ hồi nào?
Có lẽ nên đặt câu hỏi như thế này: Cái ý tưởng viết văn đó, nó đến với Gấu vào một lúc nào, hay vào những lúc nào.
Một trong những ao ước sau này mình sẽ viết văn, có lẽ đã xẩy ra, khi nghĩ rằng văn chương hơn toán học.

Hồi học trung học, Gấu nổi tiếng là giỏi toán. Nhà nghèo, may nhờ bà cô làm me Tây, nên Gấu được ra Hà Nội học. Ông Tây già, chồng bà cô là một kỹ sư sở Hoả Xa Đông Dương. Chính Ông Tây đã khám phá ra tài toán của Gấu, và có thể chính ông đã [ngầm] khuyến khích bà cô lo cho Gấu. Bởi vì khi Gấu vào Nam, học ở Sài Gòn, bà cô từ Pháp vẫn tiếp tục gửi tiền về cho thằng cháu.
Đam mê toán của Gấu lần đầu tiên bị khựng lại, và có thể, đam mê viết bắt đầu nhen nhúm, là như thế này:

Năm học Đệ Ngũ, Gấu có một người bạn là Ngô Khánh Lãng. Thân lắm. Lần đó, Gấu lần mò, tự mình tìm ra phương trình đường thẳng [y= ax+b], bèn chạy đi khoe với anh bạn Ngô Khánh Lãng. Anh coi, đưa mắt nhìn thằng bạn như tỏ vẻ thương hại, và trong khi Gấu đứng trố mắt mắt ra vì ngạc nhiên,  tại làm sao thằng bạn mình nhìn mình như thế, anh vô trong nhà, lấy ra một cuốn sách đại số, lật đúng đoạn giải thích phương trình đường thẳng. Đọc, Gấu ngỡ ngàng. Cách giải ở trong sách ngắn, gọn, dễ hiểu, so với cách của Gấu.
Sau ngỡ ngàng, là thất vọng. Thất vọng như chưa từng biết thất vọng là gì. Những kẻ đến cái thế giới này muộn màng như Gấu, chẳng còn có cái gì để mà khám phá! Loài người khám phá sạch rồi!
Nhưng đó là về toán học, khoa học.
Mơ hồ, Gấu nhận ra, rằng cái nỗi thất vọng của Gấu đó, chỉ có Gấu mới diễn tả ra được. Không có ai “khám phá” giùm cho Gấu được. Chỉ có mỗi một Gấu. Và Gấu là độc nhất!
*

-Với mối tình lớn thứ nhì, văn chương, chắc chắn vĩ đại hơn cả mối tình đầu - là toán học đó - ông có gặp nỗi thất vọng nào không?
Có, và còn thê thảm hơn lần đầu nhiều!
-Thế hả? Kể cho nghe tí đi.
Cứ tạm gọi nó là nỗi thất vọng, hay kinh nghiệm: Bếp Lửa…
*
Nghe thấy rồi!

Nhất Linh, khi viết Đôi Bạn, lăm lăm với ý tưởng, phải làm bật lên hai nhân vật chính là Loan và Dũng, cùng với nó, là một thế giới cũ, mà hai người bị nó nghiền nát, đưa tới một cô Loan giết chồng sau đó. Cứ tạm coi, “nghĩa chính” của cuốn chuyện là Loan. Nhưng về già, khi viết Viết và Đọc tiểu thuyết, ông nhận ra, nhân vật phụ là Hà lại nổi lên lấn át nhân vật chính. Cái cảnh từ giã giữa người yêu và cô khép lại cuốn truyện mới tuyệt vời làm sao! Anh chàng tới từ giã người yêu, để đi làm cách mạng, nghĩ trong bụng, chắc là căng lắm. Nàng tuy căng lắm, nhưng cứ tỉnh như không. Chàng ra về, trên đường, bóp chuông xe đạp leng keng, như một nỗi vui nho nhỏ, rằng cuộc chia ly đã không thê thảm như là chàng nghĩ. Tiếng chuông vọng tới tai người yêu, nàng “đau” lắm, đau hơn cả nỗi đau chia ly [Hà bị bịnh lao, nghĩa là chẳng bao giờ có cơ hội gặp lại người yêu], bĩu môi, buông một câu:
-Nghe thấy rồi!
Đây mới là “nghĩa chính” của Đôi Bạn, mà đến chót đời Nhất Linh mới nhận ra!
* 

 Chiếc Lư Đồng Mắt Cua của Nguyễn Tuân cũng kết thúc bằng một câu cà chớn như vậy:
-Xuyến người bên lương hay là bên giáo?
Hay câu kết của Bếp Lửa, nói lên ý nghĩa của bếp lửa:
-Anh yêu em, yêu quê hương vô cùng. 

 Câu nói đó, là câu nói của bao nhiêu năm sau này, của bao nhiêu con người sau này, đã sống sốt cuộc chiến, sống sót cuộc bỏ chạy, sống sót biển cả, sống sót cuộc hội nhập nơi xứ người - như tiếng chuông xe đạp leng keng vọng về Quê Nhà.
 -Nghe thấy rồi!
 Chúng ta tự hỏi, có gì nối kết những câu nói tưởng như bình thường, vô nghĩa đó?
*
Đi và về cùng một nghĩa như nhau.

Chúng ta đều biết, với những phi hành gia, căng nhất, là lúc trở lại, nhập vào bầu khí quyển. Sơ xuất một chút, là, hoặc phi thuyền bị trượt, biến thành con tầu ma, hoặc bị lực ma sát biến thành một trái cầu lửa.

Bạn cứ coi một chuyến du hành vũ trụ như thế, là một lần…  viết! Vạn sự khởi đầu nan, phi thuyền Challenger là một chứng cớ hiển nhiên cho thấy, câu mở [một truyện ngắn, truyện dài, một giả tưởng…] đầy “máu me, sinh tử…” như thế nào. Nhưng những câu kết, như trên cho thấy, những “anh yêu em như yêu quê hương” [Bếp Lửa], “nghe thấy rồi” [Đôi Bạn], “Xuyến người bên lương hay là bên giáo”… chúng có một cái gì giống nhau của một khép lại,  trở về, như sau một chuyến du hành vũ trụ. Viết… hỏng nó, là bạn bị trượt, biến thành một con tầu ma, nghĩa là  trở nên khùng khùng điên điên, không biết mình sống hay là mình chết, giữa hai thế giới, là, thế giới thực, và thế giới ảo [thế giới của những con chữ]. Liệu có thể coi đây là tình trạng tẩu hoả nhập ma? Liệu có thể giải thích, đây là trường hợp xẩy ra cho những Nietzsche, Holderlin, Bùi Giáng… Và những cas tự tử như của Hemingway, liệu có thể giải thích: một toan tính nhằm tái lập những chuyến du hành vũ trụ: lại viết trở lại? 

Khép lại, trở về... Như một nhà phê bình gia ngoại quốc nói: Đọc là treo lửng đời sống, là tạm từ bỏ đời sống thực, buớc vào đời sống tưởng tượng, và độc giả nào mà chẳng hy vọng, khi trở về đời sống thực, mọi chuyện sẽ khá hơn một chút. Gấu tôi đã từng trốn… chiến tranh bằng cách chui vào một rạp xi-nê ở Sài Gòn, với một cảm giác rằng, khi phim hết, mình ra khỏi rạp, và thế là cuộc chiến đã chấm dứt!

Vẫn là lập đi lập lại, cái cảm giác, lần bị mìn tại nhà hàng Mỹ Cảnh, nằm nhà thương Grall vật lộn với cái chết, và mơ màng tưởng tượng,  khi mình đứng ở cổng nhà thương Grall, nhìn ra ngoài đời, bước vào Sài Gòn, thì chiến tranh đã hết. 

Và chỉ còn có một việc làm, là đi gặp... cô bé!

(còn tiếp)

 

NQT