logo


Sự Câm Lặng



Sự câm lặng.

 Chuyện xưa, một ông vua giấu sáu cậu con trai và một cô con gái vào trong rừng, vì bà vợ sau của ông vốn là một mụ phù thuỷ. Tuy nhiên bà phù thuỷ cũng tìm ra sáu đứa nhỏ, và ném lên mình chúng sáu chiếc áo sơ mi bằng lụa đã được phù phép, biến chúng thành sáu con thiên nga. Bà không biết sáu anh em còn một cô em gái.

 Cô bé đi tìm anh. May mắn làm sao, cô gặp được, bởi vì mỗi ngày họ có mười lăm phút trở lại dạng người. Khi từ giã, cô được mấy người anh cho biết: mấy người anh chỉ có trở lại làm người, khi cô ném lên mình họ sáu chiếc áo, do chính tay cô đan trong sáu năm, bằng một thứ cỏ gai.

 Trong sáu năm ròng rã đó, cô không được cười, không được nói.

 Cô bắt tay ngay vào việc.

 Rồi một ngày đẹp trời, một ông vua ghé qua, và nhận ra một nhan sắc. Hỏi thế nào cũng không nói. Nhưng điều này không làm ông vua đổi ý, khi quyết định cưới cô làm vợ. Và họ có được một đứa con trai. Bà mẹ sai người bắt đứa bé, vu cho cô làm chết nó. Đối lại những lời cáo buộc, chỉ là sự câm lặng. Đứa bé thứ nhì, thứ ba, cũng vậy. Cô lặng câm, cặm cụi cúi xuống manh áo đang đan. Ông vua, dù lúc nào cũng thương vợ, nhưng đành phải kết tội chết. Ngày cô lên giàn hỏa cũng là ngày cuối cùng của thời hạn nghiệt ngã. Khi sáu con thiên nga xuất hiện, cô ném sáu chiếc áo lên mình chúng và lời nguyền hết linh. Cậu út, vì chiếc áo chưa kịp đan xong, vẫn lủng lẳng một cánh thiên nga.

 Trên đây là tóm tắt một chuyện cổ (conte) của Grimm [Jakob Ludwig Karl 1785-1863, người Đức, cùng với người anh là tác giả Những Chuyện Thần Tiên (Fairy Tales, 1812-14) dựa theo chuyện kể dân gian].

 Và sau đây là tóm tắt chú giải của Simone Weil.

 Bà cho rằng, trong những tư tưởng tuyệt vời của Platon, có những tư tưởng ông kiếm được, nhờ suy nghiệm về những huyền thoại. Bà tin rằng, những huyền thoại của chúng ta cũng có những tư tưởng đẹp. Và bà đã thử chọn lựa một cách thật tình cờ, chuyện sáu con thiên nga của Grimm, sau khi cẩn trọng người đọc: sẽ là thực những gì tôi sẽ nói.

 Chúng ta phải để ý tới cái thời điểm mà người em gái ném lên mình những con thiên nga những chiếc áo cỏ. Bằng một cú ném áo, họ đã bị trù yếm; cũng bằng một cú ném áo như vậy, họ được giải thoát. Họ bị biến dạng đâu phải do lỗi của họ, và họ trở lại làm người, là do lòng yêu thương của cô em. Nếu họ bị biến dạng do những lỗi lầm mà họ đã phạm, có thể họ sẽ phải trải qua đau khổ, rồi mới được trở lại làm người. Trong câu chuyện, họ nhận điều xấu cũng như điều tốt, là từ bên ngoài. Câu chuyện sẽ khác hẳn, nếu cô em gái đi tìm một thứ dược thảo thần kỳ. Như vậy dược thảo cứu họ, chứ không phải cô em. Chúng ta tưởng rằng những chiếc áo cỏ đã giải thoát họ, không phải vậy. Chính cô em gái, bằng khổ nạn mà cô đã tự ôm lấy: cặm cụi đan áo cỏ trong sáu năm, không được cười, không được nói. Sự câm lặng phá huỷ lời nguyền, làm cho nó trở nên vô hiệu.

 Im lặng. Không nói. Không cười. Trong sáu năm ròng rã. Ở đây, sự câm nín, nhẫn nhục trinh nguyên đã tác động. Tình yêu của ông vua, những lời buộc tội của bà mẹ chỉ làm tăng thêm thử thách. Phải cực kỳ khó khăn, cực kỳ khổ nạn, sự cứu rỗi mới rạng rỡ, đức hạnh mới bật ra. Cỏ gai đâu phải để đan áo! Ngay cả hành động đan áo cũng chỉ có một giá trị biểu tượng, chính hành động “không hành động” (không nói không cười), hay dùng từ của Simone Weil, chính cái gọi là hư vô của hành động (le néant d’action) mang trong nó, đức hạnh. Và theo bà, tư tưởng này đã tới được chốn sâu thẳm nhất của tư tưởng đông phương.

 Bài học từ câu chuyện Grimm, sự câm lặng, bàng bạc trong tác phẩm của Weil, từ những năm chiến tranh. Thí dụ như trong Cahier VI: “Chủ đề về sự thơ ngây vô tội tự nguyện không chống trả. Những con thiên nga.” Và vào những giây phút cuối cùng của đời mình, trong “sổ tay ở Luân Đôn”, bà hình như tự đồng nhất với nữ nhân vật ở trong câu chuyện cổ tích: “Sự câm lặng của cô gái nhỏ trong Grimm [nhờ vậy] mà cứu được những người anh… Sự câm lặng của Đấng Ky Tô. Một thứ thỏa uớc thiêng liêng, một hợp đồng của Thượng Đế với chính Người, từ đó, thế gian bị kết án: chỉ tới được sự thực bằng [hành động] câm lặng.”

 Tôi đọc Weil, và bỗng nhớ những đêm Cali không ngủ vì vụ Trần Trường. Tuy không phải là người Cali, nhưng đúng vào dịp đó, Jennifer tôi có mặt, và đã thường trực tham dự những đêm không ngủ. Ở đó, tôi đã gặp một anh bạn học từ những năm trung học. Cả hai đã từng sát cánh bên nhau, trong vụ biểu tình đầu tiên sau 1954, tại Sài Gòn, để phản đối phái đoàn CS trú ngụ tại khách sạn Majestic và khách sạn Ga-li-ê-ni những ngày sau di cư. Anh cho biết, kể từ ngày đó, bây giờ anh mới lại đi… biểu tình! Và còn gặp nhiều đồng nghiệp trước 1975, chưa từng bao giờ đi biểu tình. Có anh bạn cả đời chỉ cặm cụi làm việc, khi còn ở Việt Nam cũng như khi đã chạy qua Cali sau khi ra trại tù, vậy mà đêm nào cũng ra ngồi… thiền giữa trời!

 Tôi nhận ra một điều, đa số những người đi biểu tình xử sự như anh: họ ngồi im lặng, không nói, không cười. Như đang cầu nguyện, trong câm lặng.

 Và tôi hiểu ra một điều: đây là một cuộc lễ cầu siêu vĩ đại nhất, trong câm lặng, vào cuối thiên niên kỷ, cho tất cả những người đã ngã xuống vì cuộc chiến, và sau đó…

 Và tôi tự hỏi, phải chăng những tiếng hò hét chung quanh sự câm lặng chính là “cú ném áo đầu tiên’, của một con mụ phù thuỷ có tên là “lịch sử của quá khứ”?