*






GIỌT NƯỚC NÀO XÓT MẮT TÔI 

Huyền Không

Ngày 9 tháng 4 năm 1991 vừa qua tôi đến Hannover, đức Quốc để tham dự khóa họp của Hội Ðồng Tăng Già Thế Giới tổ chức tại chùa Viên Giác của Thượng Tọa Thích Như Ðiển. 

Hành trình dài mười mấy tiếng đồng hồ. Tôi đã nghĩ tới trước khi đi và nhờ vậy đã thủ sẵn trong hành trang mang theo tập Hồi Ký Người Mất Ngày Tháng của Nhã Ca. Mười mấy tiếng đồng hồ đã không thấy dài lê thê, đã qua đi nhanh chóng trong niềm tưởng vọng về những gì đã mất mà như còn đó. Lung linh và sống động. Ðó là hình ảnh của Ôn Trí Thủ mà người viết đã ghi lại với cả tấm lòng như tấm lòng của đứa con lạc loài, chìm nổi giữa biển đời nhớ về người cha lành đã khuất bóng. Ðó là hình ảnh của nhiều anh em văn nghệ sĩ sống trong những ngày tháng lao đao, hồi hộp, ray rứt, phẫn uất, hùng chí giữa một quê hương mịt mù trong bạo lực căm thù. Ðó là riêng về anh Hiếu Chân, một gói nhỏ, bọc bằng vải xô, đèo sai một chiếc xe đạp. Mô tả một cách vô hồn và như tê điếng mọi nỗi đau buồn về hình ảnh của một nhà văn đã chết. Cực kỳ xúc động và xót xa. tôi đọc mà nghe cảm cả một trời buồn tràn dâng: Có giọt nước mắt nào xót mắt tôi cho anh Hiếu Chân lúc này. Tôi nhắm mắt lại, thầm tụng 3 biếng bài chú Vãng Sanh cho anh mà cũng là cho cả mọi nỗi trầm luân của thời tang tóc điêu linh này. Anh Hiếu Chân, tôi còn nhớ rõ lắm. 

Sau ngày đồng bào di cư vào Nam 1954, Miền Nam có tờ báo Tự Do, một trong những tờ báo tôi quý. Quý không phải vì tin tức, bình luận thời sự, không vì tiểu thuyết, tài liệu. quý chỉ vì cái mục Nói hay Ðừng do anh Hiếu Chân phụ trách. Nhứt là từ khi trên mục nhỏ này, anh đã dám đem vấn đề Từ Bi không có trong đạo Phật (!) để nổ thiên hạ. Như thế là động thời văn; và phải là can đảm lắm, phải là "gan cùng mình", anh mới động thời văn được thế. Ngày đó, mọi người cho anh đã dùng bút lông để chọi bút sắt. Tôi thì nghĩ tới cái học phong sĩ khí của người cầm bút. Sau năm 1965, gặp anh tại Viện Ðại Học Vạn Hạnh, cái học phong sĩ khí mà tôi nghĩ về anh trước thực đã không lầm. 

Sau 30/4/1975, thỉnh thoảng tôi lại nhà thăm anh với bao gạo nhỏ đèo sau chiếc xe đạp. Có lần, anh Cao Hữu Ðính phân bì. Thế là tôi chia đều cho cả hai. Cả anh Thạch Trung Giả nữa, cũng hột gạo chia nhau. Có khi cùng với thầy Ðức Nhuận, chúng tôi dùng xích lô máy đi thăm Vũ Hoàng Chương, Doãn Quốc Sỹ... và các anh em khác. Giờ thì đã tan tác, trời đất mỗi người mỗi phương. Những Hiếu Chân, Thạch Trung Giả, Cao Hữu Ðính, Vũ Hoàng Chương... đã bên kia trời. Và cũng bên này trời phương khác, tôi cứ mơ màng nghĩ đến... 

Như bọt nước tung tóe reo vui, anh Hiếu Chân đang được đùa vui cùng sông nước. Niềm vui thỏa nguyện được vào chốn lao tù, được chia cùng nỗi đớn đau với đồng nghiệp, đồng bào. Niềm vui riêng ấy của anh thực chứa cả một trời buồn của non nước. Tâm trạng anh có khác gì tâm trạng của quý thầy trong Giáo Hội những ngày thầy Huyền Quang, thầy Quảng Ðộ... vào tù trong lúc mình chưa bị tù. Cớ sao mình chưa bị tù? Câu hỏi ấy, tôi đã nghe nhiều lần ở thầy Thiện Minh. Ðể rồi, thầy Thiện Minh đã vào tù và đã chết trong tù. 

Nguyện được vào tù. Ðể rồi chết. Thầy thiện Minh và anh. Những mây trắng thong dong từ đây trên quê hương còn mịt mù tăm tối. 

Từ Los Angeles đến Frankfurt rồi từ Frankfurt đến Hannover, tôi đọc xong tập Hồi Ký của Nhã Ca. Nhiều hình ảnh ngày nào rực rỡ và xót xa bây giờ. Ôn Trí Thủ, thầy Thiện Minh, anh Hiếu Chân... Thầy Ðức Nhuận với cái hình mới nhận được hôm nào, chống gậy, còm người xuống đất. Luôn cả hình dáng chị hiếu Chân, chái trai út và người con gái của chị. Cả hình ảnh buổi lễ tống táng anh có thầy Trí Quang và quý thầy Ấn Quang... Tôi còn có giọt nước mắt này đưa tiễn anh. 

Buồn vui một đời, nói sao cho hết. Buồn vui trong tâm cảm lịch sử lại càng khó nói được hết. "Tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ..." Tôi đã đọc câu thơ này của Thanh Tâm Tuyền trong một ngày 1963, giữa lúc Phật giáo quê nhà bị khổ nạn và vào khi một mình đi trên hải cảng Yokohama lặng lẽ. Tôi cũng đã "gọi tên tôi cho đỡ nhớ", lúc này, trên chuyến bay về Hannover để nhớ đến mình trong hình ảnh chập chờn của nhiều người thân thương khác.

 Rồi máy bay đáp xuống phi truờng Hannover. Do sự sắp xếp của Ban Tổ Chức, một nhóm Phật tử Ðức đón và đưa tôi về Trung Tâm Thiền của bà Annemary Bushbeum và tôi đã ở lại đây hai hôm. Tối ngày 10/4/1991, tôi nói chuyện với gần 20 người Phật tử Ðức này. Trước khi nói chuyện, họ đã dẫn tôi đi Thiền Hành qua một cánh rừng, rồi đến ngắm một hồ nước trong veo. Ðến ngày 12/4/91, thầy Như Ðiển lại đưa về Hotel Parkhaus và nơi đây tôi thấy một tấm bảng ghi ngoài Hotel: vào ngày 9 tháng 12 năm 1777 thi hào kiêm văn hào nổi tiếng của Ðức là Volfgan Von Goethe đã ở lại nơi đây. Bây giờ, hơn 200 năm sau lại là nơi tôi được trú ngụ trong gần hia tuần lễ. Diễn phúc nào đây nhỉ? Ðức cũng như Âu Châu và Mỹ Châu, đến tháng April là xuân về hoa nở. Nhưng April năm nay tuyết rơi trắng xóa cả bầu trời, tuyết rơi quanh cả Hotel tôi đang tạm trú. Người Ðức có câu thành ngữ tháng April là mặc cho ông Trời muốn làm gì thì làm: xuân hạ thu đông có thể thay đổi trong một ngày.

 Sau các bài diễn văn diễn từ, sau các lời chúc tụng và sau các phiên họp bàn Phật sự sôi nổi, Ban Tổ Chức đã đưa tất cả phái đoàn đi viếng bức thành ô nhục Bá Linh (Berlin). Berlin Wall khởi sụ dựng lên vào ngày 13/8/1961 và bị đập phá để hai bên thông thương từ ngày 9 tháng 11 năm 1989. sau gần 30 năm chia cách, sự khổ đau của con người tràn ngập khắp đó đây. Chiều hôm nay, 17 tháng 4 năm 1991, một chiều lạnh có tuyết rơi. Chúng tôi đã đến đứng trước những tấm ván có ghi tên những người vượt thành tìm tự do bị cảnh sát Ðông Ðức bắn chết. Chúng tôi đứng cúi đầu trước tên những người chết để tưởng niệm. Tuyết rơi dính ở mắt tôi nhằm lúc tôi đang khóc cho số phận những người bị bắn bỏ mình.

 Giờ này, Ðông và Tây là đâu? Bên này và bên kia là đâu? Nhưng bức tường Berlin của Việt Nam, quê hương tôi, còn đó kia mà!

 Los Angeles, Mùa Phật Ðản 2535

Trích "Ðức Phật vẫn ngồi yên" của Huyền Không Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ xuất bản 1997