logo






*
Một tác phẩm điêu khắc của Dương Văn Hùng.
gau
Ông bạn ở Hà Nội, Mr. Sửu, họa sĩ NĐThuần,
điêu khắc gia Dương Văn Hùng [đội nón]
@ Cà phe Factory, April 11, 2004
gau
Rừng,Thuần,Gấu, Đặng Phú Phong @ Phong's

Dương Văn Hùng, Nhà Điêu Khắc Vô Ưu

Đặng Phú Phong.
 

Có người gọi Dương Văn Hùng là Họa Sĩ, có người gọi anh là nhà điêu khắc, bởi vì Dương Văn Hùng tốt nghiệp trường Quốc Gia Mỹ Thuật Sài Gòn bộ môn điêu khắc và hội họa. Theo tôi, nếu cần thiết để chỉ rõ cái nghiệp dĩ của Dương Văn Hùng, chúng ta phải gọi anh là nhà điêu khắc, hơn thế nữa, một nhà điêu khắc tài hoa.

Với dáng đi lửng thửng, chậm rải, ăn mặc tuềnh toàng, râu tóc biếng chải, trên đầu lúc nào cũng có chiếc mũ, Dương văn Hùng thật thà tự nhiên nhìn thẳng vào những suy tư về nghề nghiệp của mình, cho nên anh dễ dàng tự có những giải đáp cho dù sự giải đáp đó nhiều khi rất phiến diện và chỉ giải quyết riêng cho anh. Dương Văn Hùng dùng chữ thật đơn sơ, mộc mạc để diễn tả những vấn đề không đơn giản là nghệ thuật.

Đối với anh tranh và tượng khác nhau ở chỗ "tượng chiếm một không gian và thời gian ở trên quả đất nầy giống như một con người nên người ta không thể đi băng qua mà phải tránh, còn tranh thì không vì tranh người ta chỉ treo trên tường" hay " Tượng, trước hết là phải đẹp cái đã rồi sau đó hãy nói nó muốn nói cái gì, nhiều khi nó cũng không cần thiết". Hay "Tượng phải tạo ra sự cảm thông, và gần gũi với người xem Như vậy tác phẩm mới có sức sống được". 

Những quan niệm của anh đáng cho những người làm nghệ thuật chấp nhận hay không là một việc khác, nhưng nó giúp cho người thưởng ngoạn hiểu ra tại sao Dương văn Hùng lại vẽ thêm lên những tác phẩm điêu khắc của anh. Đây là mấu chốt để Dương Văn Hùng giải quyết cái đẹp nghệ thuật của anh. Pho tượng Trăng Tỳ Hải là một thí dụ điển hình.

Người nghệ sĩ có thực tài luôn luôn nắm bắt, làm chủ được cái thần trên tác phẩm của mình. Dương văn Hùng có được điều này. Tôi chợt liên tưởng đến chuyện Cao Biền xin vua Tàu một kho bút để chọn được một cây điểm nhãn (thần) lên con chim do mình vẽ ra, con chim mở mắt đập cánh, bay ra khỏi bức vẽ để Cao Biền nhảy tót lên ngồi, bay một mạch về phương nam mà tìm long điểm huyệt. Câu chuyện đầy tính chất hoang đường kia sẽ không còn mộng mị chút nào nếu phổ nó vào những tác phẩm nghệ thuật. 

Những pho tượng đàn bà anh nặn ra đều có đôi chân thật to, điều này không phải là mới mẻ, nhưng sư giải thích của Dương Văn Hùng "cái đế của sự sống cần phải thật vững chắc" nó làm cho người thưởng ngoạn chia xẻ được với tác giả sự vững vàng dấn thân trong cuộc sống. Những đôi chân to nhưng không thô, trái lại nó là những đường cong thật thong thả đầy sáng tạo như đôi chân trong tác phẩm Vô Ưu. Một tác phẩm thật tuyệt vời. Đôi chân hơi phá cách một chút, phá cách để phô diễn hết cái đẹp măng muốt của cặp đùi cố tình khiêm tốn khoe con suối trường lưu ngược dòng về chốn hoang sơ nguyên thủy.

 Cái thế nửa nằm nửa ngồi của Vô Ưu là cái tính chịu đựng, nhẫn nhục của người mẹ. Đức tính ấy đã thành bẩm tính của người mẹ. Nó hòa nhập vào tâm hồn lẫn thể xác nên ngay trên nét mặt cho dù có đăm chiêu mấy đi chăng nữa vẫn trở thành vô ưu của mẹ dành cho con. Tượng Vô Ưu được nặn chỉ có một cánh tay, trở thành đế, tay kia không có vì anh cho rằng sẽ không đẹp và để cân bằng với người xem, anh thế vào bằng cách vẽ một cánh tay xuôi theo đùi. Do vậy sẽ có người cho rằng vì muốn cân bằng với người xem, Dương văn Hùng sẽ không có những tác phẩm đột phá? Hay tác phẩm của Dương văn Hùng luôn luôn có hai phần, một phần của riêng tác giả,và một phần dành cho người thưởng ngoạn?

 GHI CHÚ: Các tác phẩm điêu khắc của Dương Văn Hùng đang triển lãm ở hội trường Nhật Báo Người Việt, và ngày bế mạc triển lãm là chủ nhật 22-1-2006.