logo





 

CAO BÁ MINH, Màu Xanh Trôi Trong Ký Ức.
Đặng Phú Phong

Trong một khuôn vải, lớn lắm cũng không quá vài ba mét vuông, người họa sĩ  ấy đã làm cho thế giới của bức tranh trở nên vô tận bằng màu xanh , dẫu  là màu xanh da trời hay xanh lục, xanh đen. Thậm chí có những bức chỉ vài nét chấm phá màu xanh thật hờ hững thật buông lơi hay nhẹ nhàng phơn phớt, nhưng màu xanh ấy vẫn bàng bạc trong bức tranh , giữ vai trò chính của tác phẩm. Đó là cảm giác của tôi sau khi xem hàng trăm bức họa của Cao Bá Minh và tôi còn nhận ra rằng ánh sáng trong tranh của anh là một thứ ánh sánh  xanh lung linh huyền dịu . bằng tâm thức anh đã vẽ được màu xanh của ánh sáng cho tranh của mình . Và chỉ tuyền là thứ ánh sáng xanh kỳ lạ ấy , miên mãi , xuyên suốt chiều dài tác phẩm của họa sĩ Cao Bá Minh.
Tôi đặt tên  cho lối bố cục của tranh Cao Bá Minh là bố cục xanh. Điều này có thể sẽ gây khó chịu cho một số người kinh điển, nhưng nó nói lên được sư  ung dung, nhẹ nhàng và rất tự chủ trong tranh Cao bá Minh. Ở đàng xa, thật xa những cụm màu sắc huyền ảo, thảng hoặc có những chấm tròn tròn nho nhỏ khi  trắng khi đen  khi đỏ. . . Có khi những chấm đó không còn là chấm nữa mà là một vệt màu nhỏ. Chính những  chấm, những vệt này ( tôi gọi là những vệ tinh) là phù phép  của Cao bá Minh. Nó làm cho tranh của anh càng mênh mông và di động . Cho nên sẽ không thấy làm lạ khi hôm nay đứng trước bức tranh này ta có những cảm nhận về nó khác với ngày với ngày mai. Không chỉ tại riêng sự thay đổi của người thưởng ngoạn  mà do sự chuyển mình của tranh Cao Bá Minh nữa đấy. Điều này thoáng nghe nó có vẻ không hợp lý đối với tranh của anh, một họa sĩ dùng màu rất mượt mà, kỳ diệu và lắng đọng. Nhưng hãy cứ nhìn thật sâu vào những khối màu sắc thanh bình, yên ắng và lắng đọng như những tĩnh vật ấy, nhìn thật sâu, rồi từ từ nhắm mắt lại và dể cho tâm hồn mình thật thư giãn. Người thưởng ngoạn sẽ thấy những tảng màu trong tranh của anh cứ như lãng đãng, bềnh bồng trôi . Nhưng nó không trôi về một nơi nào thật xa đến nỗi mất hút trong tầm mắt hay trong tâm tưởng của mọi người . Nó có đó, vẫn còn đó hay hơn nữa nó hằn sâu lên ký ức , chất chứa biết bao nhiêu điều không diễn đạt được bằng ngôn từ . Điều này thể hiện thật rõ nét trong bức tranh  Chân Dung Người Lính Sau Cuộc Chiến (Portait of a Soldier After War)  hiện đang được The National Vietnam Veterans Art Museum ở Chicago trưng bày thường trực .
Không tốt nghiệp một trường dạy mỹ thuật nào, Cao bá Minh  nói về “thầy” dạy vẽ của mình : “ Thiên nhiên là một bức tranh vĩ đại, tôi lấy màu sắc từ thiên nhiên rồi sắp xếp, gạn  lọc , chọn sao  được  cho riêng mình. Thầy dạy vẽ của tôi là thiên nhiên đấy.”. Thật  thế, tranh Cao Bá Minh có nhiều bức cho ta cái cảm giác anh vẽ hai lần. Lần thứ nhất là tranh thủy mạc và sau đó anh dùng sơn dầu phủ lên.  Cao Bá Minh còn gọi màu sắc của mình như những nốt nhạc rơi xuống trên khung vải , tôi thấy cần  thêm vào , nó ( những nốt nhạc ) dội lại cho người xem và ngay cho tác giả nữa. Để thưởng thức một bài thơ hay, một bức tranh đẹp, xưa nay tôi đều tuân thủ theo một quy tắc nhất định là tác phẩm đó phải hội đủ ba yếu tố là Nguyên , Khí và Thần. Tranh Cao bá Minh có khá nhiều bức hội đủ được ba yếu tố đó. Tranh trừu tượng mà vẽ đạt được như thế thì quả là hiếm hoi thật.
Cao Bá Minh vẽ rất nhiều tranh chân dung tự họa. Tự vẽ mình tức là tự lục vấn và đối thoại với chính mình. Lục vấn, đối thoại để khám phá thật sâu  cái phần mà mình không hề biết nhưng chính nó đã và đang chi phối mình. Bằng sự  tư duy đo,ù Cao Bá Minh đã cho ta những bức tranh gây nhiều ấn tượng sâu sắc . Cái mũi dài  là một nét đặc biệt trong những bức vẽ chân dung của anh, kéo gương mặt dài theo và cái cằm tóp nhỏ lại từ đó lại phát sinh ra vấn đề  cái miệng và đã được tác giả cố ý quên đi hoặc vẽ thật nhỏ. Phải chăng anh muốn nhắn gửi một thông điệp  cho người xem về cách đón nhận  cuộc đời. Một nét rất đặïc biệt, rất Cao Bá Minh là nếu ai đã từng gặp mặt anh thì sẽ dễ dàng nhận ra những tranh chân dung, dù là chân dung tự họa hay chân dung của thiếu nữ , của mùa xuân,  hay của ai đó đi chăng  nữa đều là sự thể hiện  chân dung của chính anh, nhưng không bức nào giống bức nào, không lập đi lập lại chủ đề. Đó chính là sáng tác là khám phá cái mới. Và cũng  qua những bức chân dung này ta khẳng định được chất đông phương trong tranh Cao Bá Minh với những màu sắc lãng mạn, sâu lắng, huê dạng như những hang  động thạch nhũ lấp lánh muôn màu dưới ánh sáng xanh nhẹ nhàng quí phái. Dù anh vẽ sự mộng mơ, sự bình an, những điều tốt đẹp hay sự hủy diệt, sự thất vọng, sự đau khổ vân vân và vân vân nghĩa là anh vẽ bất cứ điều gì, chúng ta đều phải có cùng một nhật xét là tranh Cao Bá Minh  rất sang cả.
Hơn bốn mươi năm sáng tác , “ ăn nằm” với tranh, Cao bá Minh đã tạo cho mình  một phong cách riêng, thật riêng và chắc chắn anh có một vị trí xứng đáng trong nền hội họa của Việt Nam. Ngoài ra Cao Bá Minh là một trong một số rất ít họa sĩ Việt Nam trước 75 hiện đang ở hải ngoại, vẫn còn có được tính sáng tạo trong tác phẩm của mình.