*






30.10.2006
Trịnh Thanh Thuỷ
Nỗi nhục hay vinh của cộng đồng? Tân Nguyễn: Ông là ai?
 
Nhân đọc được bài "Chính trị và thẩm mỹ quận Cam: Khi chính trị gia Tân Nguyễn say máu" của Nguyễn Hữu Liêm và tình cờ được trò chuyện với một phụ nữ Mỹ về vấn đề ông Liêm nêu ra, tôi nghĩ nên viết bài này để trình bày thêm cùng độc giả một cái nhìn khác từ phía một người Mỹ, thuộc về thành phần đa số sống trên đất nước xảy ra sự việc này.

Trước khi vào bài viết, ông Liêm đi dạo phố Bolsa và trong cái tâm trạng ngán ngẩm cộng đồng người Việt sao đó, ông bắt đầu chê thẩm mỹ cư dân Bolsa. Xong việc chê vật, chê cảnh, ông chê tới người: "Trong nét sương buối sáng sớm còn trong không gian, tôi thấy khu phố Việt Nam mang một vẻ gì rất là bình dân gốc Việt: tầm thường, hỗn độn, tạm bợ - và nhất là toàn cảnh của khu phố, từ bảng hiệu các cửa tiệm, đến văn phòng, hay nhà cửa đều mang một tính chất thẩm mỹ hạ cấp, bad taste. Nếu khung cảnh phố thị thể hiện văn hóa và trình độ thẩm mỹ của cư dân, thì khu phố Bolsa đúng là “người mần răng thì vác khúc săng như rứa” (con người như thế nào thì vác khúc gỗ như thế). Không lạ gì mà từ cộng đồng người Việt ở quận Cam chẳng có gì hay ho, thực chất hay cao thượng phát sinh được cả - ngoại trừ ba cái chuyện ồn ào, bát nháo, trống rỗng."

Đọc bài viết này tôi tìm lại được một ông Liêm "vơ đũa cả nắm" thuở nào. Ông Liêm của những năm trước và ông Liêm ngày nay "vũ như cẩn". Vẫn một giọng văn chê bai, chỉ trích con người và cộng đồng người Việt bằng câu "thẩm mỹ hạ cấp". Hơn một lần tôi đã viết bài trao đổi cùng ông Liêm về văn phong và phản ứng của ông đối với cộng đồng người Việt hải ngoại nên tôi không muốn lặp lại việc này, để độc giả tự đọc và suy ngẫm lấy.

Tôi chỉ xin trình bày cùng độc giả một vài ý nghĩ cá nhân của riêng tôi, một góc nhìn đơn lẻ về một cộng đồng người Việt "trẻ" giữa những cộng đồng di dân từ lâu đã mọc rễ ở đất nước Hoa Kỳ này. Cộng đồng người Việt quận Cam được tôi gọi là "trẻ" vì nó mới và còn quá trẻ so với các cộng đồng da màu khác như cộng đồng người da đen, cộng đồng Latino: Mễ, cộng đồng Tàu, Nhật, v.v... Sự hình thành của nó bắt đầu từ cuối năm 1975, đầu năm 1976, cho tới nay ngót nghét có khoảng hơn ba mươi năm, một khoảng thời gian ít ỏi so với các cộng đồng bạn. Sống gần quận Cam, hưởng những tiện nghi của cộng đồng mang lại, từ những hoạt động văn hoá (văn học nghệ thuật, giáo dục), kinh tế, thương mại (chợ búa, nhà hàng, dịch vụ), truyền thông (sách báo, truyền thanh, truyền hình), tôi rất biết ơn, cảm kích và hãnh diện với những gì nó mang lại. Nhìn nó lớn mạnh, cứng cỏi và trưởng thành giữa một quốc gia cường mạnh và to lớn như Hoa Kỳ, còn nỗi vui nào vui hơn!

Gần đây nhờ sự cổ động của những phương tiện truyền thông chúng ta có được mà người Việt tấp nập đi bầu giơ cao lá phiếu, tiếng nói của mình. Người Việt đã tranh đấu cho người Việt những chức vị quan trọng trong các cơ quan công quyền cấp liên bang, tiểu bang cũng như cấp địa phương. Sự thành công của người Việt ở quận Cam vẻ vang như khắp nơi trên thế giới. Quận Cam là nơi quy tụ nhiều di dân gốc Việt hơn bất cứ nơi nào khác, nơi sản sinh bao nhân tài xuất sắc trên nhiều phương diện kinh tế, thương mại, giáo dục, xã hội, làm người Mỹ nể vì, nhưng bên cạnh những thành công đó dĩ nhiên cũng có những việc xấu, gian lận, trộm cướp, tống tiền, băng đảng, v.v…

Cộng đồng nào không có chuyện tốt và chuyện xấu? Cộng đồng nào có nét đặc trưng của cộng đồng đó. Xuống Bolsa người ta có cảm giác như người Hoa bước vào Chợ Lớn ở Việt Nam ngày xưa vậy. Tôi yêu cái nét đặc trưng đó.

Vào một tiệm phở Bolsa người ta thấy ngay cái không khí Sài Gòn năm nào. Tiếng Việt cùng khắp, ánh đèn néon trắng bệch, bàn ghế, chén đũa, trang hoàng xuề xoà, tầm thường, không kiểu cách, nghĩa là rất bình dân mà tiệm vẫn đông khách. Các bạn có biết tại sao nó sống đều và sống mạnh? Nó sống vì phở ngon, rẻ, bình dân chứ không phải vì tiệm sang, đẹp hay cách chiều đãi khách hàng niềm nở như các tiệm Mỹ khác. Tôi biết có một nhà hàng Việt Nam trang trí rất thẩm mỹ và đẹp mắt nhưng lại ế khách, sống không nổi nên sang tiệm cho một người Việt khác. Chủ mới sang xong, lập tức dẹp hết cách trang trí rất đẹp ấy đi, thay bằng lối trang trí rẻ tiền, bàn ghế bằng gỗ không nệm, cốt chỉ lấy chỗ chứa cho đông, thế mà từ khi mở cho đến hôm nay khách vào tấp nập cả ngày. Vậy mới biết, cái nhìn, cách ăn uống và thưởng thức của người mình có khác với dân bản xứ. Làm sao xoá bỏ được cái gốc "Mít" thân thương của chúng ta, làm sao quên được văn hoá dân tộc của chúng ta? Tuy nó ồn ào, xô bồ, còn hơi chậm tiến, nhưng thân thiết, đầy bản sắc dân tộc. Nó giống y như những người miền Bắc di cư vào miền Nam trước 75 hay bị chọc là "mày có giả giọng nói miền Nam hay mấy đi chăng nữa, đi cầu, chùi đít mày vẫn còn dính cọng rau muống".

Một người bạn là bác sĩ y khoa ở Canada đi với tôi ghé thăm Bolsa, ngạc nhiên khi thấy những bảng quảng cáo, những tấm bích chương, biểu ngữ, tên hiệu các văn phòng bác sĩ, luật sư to quá khổ, đen đỏ đối chọi nhau một cách bất thường, mục đích để đập vào mắt người xem. Anh đã phải thốt lên "các bảng hiệu ở đây lớn quá, nơi tôi ở, ngay đến phòng mạch của tôi, cũng đâu có những bảng hiệu như vậy!". Tôi cười, nói "tại nơi anh không có nhiều bác sĩ, nha sĩ, luật sư như ở đây đó thôi". Sự tranh sống để tồn tại của con người quả là kinh khiếp. Con người vì cạnh tranh nhau để sống còn, họ có thể làm bất cứ thủ đoạn gì để được phần thắng về mình, huống hồ gì ba cái quảng cáo lẻ tẻ. Bác sĩ, nha sĩ, luật sư Việt Nam ở quận Cam nhiều đến nỗi phải gọi là thặng dư hay "quá tải". Học sinh Việt Nam ở Hoa Kỳ nổi tiếng là học giỏi, bậc cha mẹ nào cũng mong con trở thành bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, tệ lắm cũng là luật sư, kỹ sư, nên sau ba mươi năm ở Bolsa các văn phòng bác sĩ, nha sĩ, luật sư chen vai thích cánh, cạnh tranh nhau bằng thích, đi đến tình trạng phải quảng cáo mới có khách đến thăm. Ngày nào trên các đài truyền thanh truyền hình không có các vị bác sĩ, luật sư lên quảng cáo bằng mục vấn đáp bệnh lý hay pháp lý. Sau chương trình vấn đáp của các vị bác sĩ, luật sư là các vị "bác sĩ xe hơi", tức là các chuyên viên sửa xe chuyên trị bệnh của xe hơi. Ngoài ra họ còn tạo nên những tổ hợp luật sư, trung tâm y tế với đầy đủ những chuyên gia y tế, dụng cụ kỹ thuật tối tân, thức ăn Việt Nam cho bệnh nhân, mục đích để thu hút khách hàng một cách cực kỳ tinh tế.

Nói chung, người ta tìm đủ cách để cạnh tranh mà quảng cáo là phương pháp hữu hiệu nhất. Quảng cáo đã biến bộ mặt quận Cam thành một bộ mặt kém thẩm mỹ đến nỗi ông Liêm bực mình la lên và phết cho nó một tấm bích chương màu đen "hạ cấp".

Sau chuyện vật “hạ cấp”, đến chuyện chính trị, chuyện người Bolsa "hạ cấp" Tân Nguyễn. Trong bài, ông Liêm đã kể phần lớn câu chuyện của ông Tân Nguyễn, tôi không cần kể lại. Là một người ít để ý đến chuyện “chính trị, chính em” tôi không có ý kiến hay phê phán nào trong sự việc này, tôi chỉ kể lại chuyện nghe được từ một người phụ nữ Mỹ 63 tuổi, đưa ý kiến của bà trong việc này hầu đem lại cho cộng đồng người Việt mình một góc nhìn khác.

Tôi gặp bà trong một dịp tình cờ, sau khi hỏi tên tôi bà nói: “Cái tên của cô khó phát âm quá nhỉ, cách phát âm có giống cái tên Nguyên không?”. Tôi giúp bà phát âm tên tôi xong, bà hỏi: “Cô có biết ông Tân Nguyễn và việc ứng cử của ông ta không, cô nghĩ sao về việc này?”. Tôi gật đầu nói: “Tôi biết, tôi nghĩ ông ta hơi dại, thiếu suy nghĩ, thiếu kiến thức luật pháp mà không chịu tham khảo trước khi hành động”. Bà lắc đầu: “Ông ta làm đúng”. Tôi tròn mắt ngạc nhiên: “Bà bảo sao? Ông ta đúng? Đúng chỗ nào? Xin bà cho tôi rõ ý của bà”. Bà bắt đầu ngồi xuống và nói lên quan điểm của bà.

Rất tiếc tôi không ở quận Cam, nếu không tôi sẽ đi bầu cho ông ta. Tôi cảm phục ông Tân vì điều ông làm là đúng. Không có ai dám làm mà ông ta làm. Ông ta gởi đi 14 ngàn lá thư cho cộng đồng người Mễ với mục đích cho họ biết rằng, không có quốc tịch mà đi bầu là bất hợp pháp. Vì cộng đồng người Mễ ở quận Cam hết lòng ủng hộ bà Loretta Sanchez mà trong những lá phiếu của cử tri Mỹ Latin có những lá phiếu bị nghi ngờ là bất hợp pháp do những người không có quốc tịch đi bầu. Sự việc này nằm ở vấn đề ngôn ngữ. Khi phiên dịch lá thư gửi đi từ tiếng Anh qua tiếng Tây Ban Nha, người dịch có lẽ không rành tiếng Tây Ban Nha cho lắm đã dịch lầm, thay vì dùng chữ “công dân nhập tịch” (naturalized citizens) lại dùng chữ “cư dân hợp pháp” (legal residents) dịch ra là “immigrado”, khiến người ta có ấn tượng rằng tất cả di dân, không chỉ những người chưa nhập tịch Mỹ, thì không có quyền bầu cử.

Khi khám phá ra những lá thư này, văn phòng bà Sanchez chộp ngay khe hở của đối phương và làm ầm ĩ lên. Trước mùa bầu cử, nơi nào cũng có những đòn phép chính trị được giở ra để hạ đo ván đối phương. Sự việc được thổi phồng, “xì căng đan” Tân Nguyễn nổ lớn khiến giới truyền thông xôn xao, các đài truyền hình như CNN, Fox News, các đài truyền hình địa phương làm tin về Tân Nguyễn gần như mỗi đêm. Báo LA Times, OC Register viết bài liên tục nhiều kỳ. Các làn sóng talkshow AM của Mỹ liên tục mời ông ta lên nói về đề tài "di dân bất hợp pháp". Từ việc cố gắng loại bỏ ông Tân ra khỏi đấu trường, phe đối lập tình cờ lại làm ông Tân nổi tiếng. Bây giờ người Mỹ đã biết đến ông Tân và cảm phục sự can đảm của ông Tân; trước sự việc xảy ra ông vẫn bình tĩnh đối phó và không chịu rút lui khỏi đấu trường, dù bị điều tra và yêu cầu rút lui. Trong cộng đồng bảo thủ của quận Cam, người ta thấy làn sóng dân chúng Mỹ ủng hộ Tân Nguyễn ngày càng dâng cao. Chủ đề của ông Tân Nguyễn bây giờ chuyển qua vấn đề “di dân bất hợp pháp”. Nó nhắc nhở người ta đến việc phải kiểm tra “bằng quốc tịch” của các cử tri. Tại sao khi mua rượu người ta xét thẻ căn cước của người mua, mà đi bầu lại không hỏi “bằng quốc tịch”?

Cô có biết xứ này hàng năm có biết bao nhiêu người di dân bất hợp pháp nhập lậu? Chúng ta đi làm đóng thuế để nuôi và trả chi phí cho những dịch vụ y tế cho con em họ. Con em họ được đi học, được hưởng những dịch vụ y tế miễn phí vì chúng ta nhân đạo. Bao nhiêu trung tâm y tế và phòng cấp cứu quận hạt, tiểu bang đóng cửa vì không đủ tiền chi dùng, khi chúng ta nghèo cần những dịch vụ y tế đó, không có, phải lái xe tới hàng trăm dặm để khám bệnh ở các bệnh viện công? Tại sao? Quỹ công không còn, nó đi đâu? Chạy vào việc nuôi con em của người di dân bất hợp pháp. Họ qua đây tìm việc, lấy việc của chúng ta rồi gởi tiền về nước họ. Chúng ta phải xây tường ngăn ở biên giới, bây giờ lại không dám xây, sợ xây xong rồi họ qua không được phải đi lậu qua sa mạc, hay rừng núi nguy hiểm mà thiệt mạng, chúng ta lại mang tiếng là vô nhân đạo. Chính phủ dự định làm những “virtual wall”, cô biết nó là gì không? Chỉ là những máy quay phim đặt ở đâu đó ngay biên giới để quay phim họ nhập lậu. Giả sử có một nhóm mười người đang nhập lậu chạy qua, máy quay được rồi chính phủ làm gì? Phái người tới bắt họ à? Có đuổi kịp họ không? Hay khi nhân viên sở di trú tới nơi họ đã chạy mất rồi bèn quay về làm báo cáo là họ chạy mau quá?

Tôi ngồi lắng nghe bà thao thao bất tuyệt rồi thắc mắc: “Thế bà có chống đối người Việt chúng tôi không? Chúng tôi cũng là những người di dân đây”. Bà nói: “Cô và những người Việt di dân là những người tị nạn chính trị hợp pháp. Chính phủ cho phép vào Mỹ vì những lý do chính đáng như lý do chính trị, thì có lý do gì chúng tôi chống đối?”.

Tôi nghe được trên đài truyền thanh dân biểu tiểu bang Trần Thái Văn có lời trần tình với cộng đồng người Latin về việc ông Tân làm và thanh minh rằng từ trước tới nay cộng đồng người Việt sống rất vui vẻ, hoà bình và tôn trọng cộng đồng Latin. Việc làm của ông Tân chỉ là hành động cá nhân không dính líu gì tới cộng đồng người Việt cả. Và tôi nghe có người cho việc làm của ông Tân là xấu xa, làm nhục tới cộng đồng, khi làm ông không nghĩ tới lúc trước ông đã từng là người tị nạn cộng sản, người di dân, tại sao lại làm chuyện như vậy. Người chỉ trích đã quên rằng chúng ta tới Mỹ qua diện tị nạn chính trị hợp pháp, khác hẳn với việc di dân nhập lậu.

Ngày bầu cử đã gần kề, ván cờ xoay trở liên hồi, kết cuộc ra sao để dành cho lương tâm của cử tri trả lời. Tôi với ông Tân không một liên hệ, là một người Việt tôi cũng cầu mong cho ông được thắng cử để cộng đồng người Việt hải ngoại có thêm một tiếng nói trên chính trường xứ Mỹ, để tôi có dịp hãnh diện với người Mỹ khi họ hỏi tôi: “Cô có biết ông Tân Nguyễn là ai không?”.

© 2006 talawas