*

 



Thiếu Khanh

Hoàng Hạc Lâu – Lầu Hoàng Hạc

Trong các bài thơ về Lầu Hoàng Hạc được truyền tụng từ xưa, có lẽ bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu được ngưỡng mộ hơn cả. Nhiều thi sĩ Việt Nam cũng đã dịch bài này ra thơ Việt. Có người cho biết, đã có hơn bốn trăm bản dịch tiếng Việt từ bài thơ Hoàng Hạc Lâu này. Trong số đó có bản dịch của nhiều thi sĩ nổi tiếng, từ Tản Ðà, Trần Trọng Kim, Ngô Tất Tố đến Trần Trọng San, Vũ Hoàng Chương vân vân. Riêng bản dịch của nhà thơ họ Vũ được những người biết đến đánh giá rất cao nhưng có lẽ do thời thế (được nhà thơ dịch sau năm 1975) mà ít người được thưởng thức bản dịch này. Ở đây người viết xin giới thiệu bản dịch tài hoa này của thi sĩ Vũ Hoàng Chương cùng với một số bài dịch sang các ngôn ngữ Anh, Pháp, Đức của các nhà Trung Hoa học Tây Phương nổi tiếng, và một bài dịch tiếng Anh của người viết.
TK

Theo Gấu, bản dịch Hoàng Hạc Lâu của Vũ Hoàng Chương, quá hay, nhưng không theo kiểu nhận định về "hay dở" thông thường, hay khi phải so với những bản dịch khác!

Nói rõ hơn, vấn đề ở đây, là bản dịch của VHC khác hẳn các bản dịch khác.
Gấu đã lèm bèm về bài thơ này một đôi lần.

Nguyên tác sử dụng vần trắc, thành ra những bản dịch, trong số đó, hay nhất, là của Tản Ðà với riêng Gấu, thì đều sử dụng vần bằng, thành ra mất hẳn cái “air” trượng phu, viril, của bài thơ, theo kiểu “ba năm mẹ già cũng đừng trông”, của Thâm Tâm, hay kiểu Brodsky, "Doomed Never to Return Home": kẻ bị kết án đi một lèo, không quay lại…

Ðó là cái ý hoành tráng của câu thơ đầy sảng khoái:

Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản.

Dịch nhảm kiểu Gấu:
Một lần Gấu đi là đếch có về nữa!

Chính vì thế mà VHC, khi dịch, đã sử dụng vần trắc.
Bài thơ, và tác giả của nó, từ ngàn xưa mà đã nhìn ra thân phận lưu vong của Gấu, hàng ngàn năm sau.
Thế mới khủng!

Có thể vì vậy, mà người đời cứ dịch đi dịch lại hoài, nó.
Bởi vì mỗi thời, con người lại cần 1 bản dịch của Hoàng Hạc Lâu.
Bài Biển của Gấu, theo nghĩa đó, cũng là 1 bản dịch của Hoàng Hạc Lâu!

Hà, hà!

Biển

Buổi chiều đứng trên bãi Wasaga
Nhìn hồ Georgian
Cứ nghĩ thềm bên kia là quê nhà. 

Sóng đẩy biển lên cao, khi xuống kéo theo mặt trời
Không gian bỗng đỏ rực rồi đêm tối trùm lên tất cả 

Cát ở đây được con người chở từ đâu tới
Còn ta bị quê hương ruồng bỏ nên phải đứng ở chốn này 

Số phận còn thua hạt cát. 

Hàng cây trong công viên bên đường nhớ rừng,
Cùng thi nhau vươn cao như muốn trút hết nỗi buồn lên trời

Chỉ còn ta cô đơn lẫn vào đêm
Như con hải âu già
Giấu chút tình sầu
Vào lời thì thầm của biển...

Bài thơ của VHC, dịch HHL, không phải được dịch sau 1975.

Gấu đã từng nghe nó, khi học Ðệ Tam, [Ðệ Nhị, Gấu học nhảy, bỏ Ðệ Tam, lên Ðệ Nhị, cuối năm thi Tú Tài 1, đậu, vô Chu Văn An, học Ðệ Nhất, quen Bạn C, ông em nhà thơ...], trường Hồng Lạc, ở đường Sương Nguyệt Anh, Sài Gòn, kế ngay bên vườn Bờ Rô, khi là học trò của nhà thơ. Như thế, phải khoảng năm 1956 -7, bởi vì Gấu đậu Tú Tài 2 năm 1958.

Ông dậy Việt Văn, và có lần khen 1 bài luận của Gấu, nhưng cảnh cáo, bài luận làm đúng thể thức 1 bài luận, đừng có nghĩ là nó hay, mà vênh mặt lên!

Ngay lần đó, ông đã cho biết, lý do ông dịch HHL, sử dụng vần trắc, như trên.

Bài Biển này, từ khi ra đời, là đã gặp nhiều hạnh ngộ, và gây cho tác giả của nó, hạnh phúc, có, và bất hạnh, càng có, và càng khổ.
Ðã từng được diễn đàn Gió-O đọc, trong mục đọc thơ. Một vị, bạn tù của Gấu, quen ở nhà tù quốc tế Bangkok, và sau đó, định cư tại Úc, viết thư khen nức nở, hào khí ngất trời. Một vị, cũng Bắc Kít, quen ở hải ngoại, trong 1 lần nhậu xỉn, phán, chỉ cần bài thơ này, là đủ rồi, khỏi cần làm thơ nữa. Vụ này đã kể trong bài viết
Dạ Vũ Ký Bắc

Một trong những vị độc giả đầu tiên, là cô bạn. Bài thơ này được làm ra, là vì cô bạn, lần cả hai gia đình đi thăm Wasaga.

Gấu mất 1 vị độc giả quá thân, là vì bài thơ này.

Ðúng ra, là vì Gấu không giữ đúng điều kiện: ta cấm mi không được post mail của ta.

Sorry, please take care. NQT


**

Tưởng Niệm Vũ Hoàng Chương

**

Người xưa thường nói, nếu vẽ rồng chớ có "điểm nhãn". Vẽ mắt rồng, bữa nào hứng lên, rồng vàng, hạc vàng... bay mất, để trơ lại một thành Thăng Long mất cả Gươm Thiêng lẫn Rùa Thần, một Hoàng Hạc Lâu biến thành tiệm chả cá Lã Vọng...

Hình Bóng Cũ

Theo thi sĩ, và cũng còn là ông thầy Việt văn của người viết - năm học Đệ Nhị, trường Hồng Lạc, của thầy Đoàn Viết Lưu, khi còn là một căn hộ, ở đường Sương Nguyệt Anh, Sài-gòn - bản dịch của Tản Đà dùng vần bằng, thể thơ lục bát, cho nên không diễn đạt hết ý nghĩa "bất phục phản" - toàn "vần trắc" - trong nguyên bản. Bất phục phản! Nhân một cơn say, ông nổi hứng, dịch một lần nữa, tạo thế chân vạc cho bài thơ.

Họ Vũ vốn là dân toán, ông vẫn bị ám ảnh bởi những hệ thống trục tọa độ, khi làm thơ. Nhưng cái tam giác của ông, vô tình làm tôi nhớ tới tam giác bếp núc của C. Lévi-Strauss.

Văn minh nhân loại, theo C. Lévi-Strauss, chỉ luẩn quẩn quanh xó bếp. Trước tiên là sống. Cái thuở loài người ăn uống như thú vật. Rồi chín, khi Prométhée ăn cắp giùm lửa. Chín là trạng thái trừ khử nước, trong sống. Cộng thêm nước, thành rữa, thúi. Đó là ba đỉnh cái kiềng ba chân của C. Lévi- Strauss. Phiền một nỗi, trong khi nướng, thui... con người bỗng mê "khói", bởi vậy văn minh nhân loại cũng chỉ là một đường thẳng, đi từ mật ong, tới tàn thuốc. Thoạt kỳ thuỷ, ăn mật ong, "hỗn như gấu", tới khi hít khói thuốc, là tàn một chu kỳ văn minh. 

Bắt chước Vũ Hoàng Chương, C. Lévi-Strauss, tôi cũng tưởng tượng ra một thế chân vạc của Hà-nội. Ở đây, không có nguyên bản, cứ coi như vậy. Chỉ có dịch bản. Một Hà-nội, của những người di cư, 1954. Một, của những người ra đi từ miền Bắc. Và một của những người tù cải tạo, chưa bao giờ biết tới Hà-nội, như của Nguyễn Chí Kham, trong lần ghé ngang, trên chuyến tầu trở về với gia đình.

Bếp Lửa trong văn chương